Thúc đẩy hợp tác và gắn kết Á – Âu

Đối ngoại - Ngày đăng : 05:58, 22/11/2017

(HNM)- Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Diễn đàn hợp tác Á - Âu lần thứ 13 (ASEM 13) vừa kết thúc tốt đẹp tại Myanmar. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Chủ tịch với nhiều quyết định quan trọng...

Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEM nhất trí tăng cường hợp tác trong bối cảnh mới.


Với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững”, trong hai ngày (20 và 21-11), các Bộ trưởng Ngoại giao đã có ba phiên thảo luận những biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực cùng quan tâm, tăng cường quan hệ đối tác trong triển khai các mục tiêu phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu, quản lý thiên tai, an ninh lương thực, năng lượng, nguồn nước… Đặc biệt, hội nghị dành thời gian trao đổi sâu về vấn đề kết nối, nhất trí kết nối là một nội hàm quan trọng của hợp tác ASEM, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác Á - Âu trong nỗ lực ứng phó với các thách thức toàn cầu.

Trải qua hơn 20 năm hình thành và phát triển (từ năm 1996), ASEM đã trở thành cơ chế đối thoại quan trọng, hợp tác lớn nhất giữa hai châu lục, hội tụ 53 thành viên, 4 trong số đó là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và 12 thành viên thuộc Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi lớn nhất thế giới (G20), đại diện gần 68% dân số thế giới, đóng góp khoảng 55% GDP và gần 60% thương mại toàn cầu.

Những hoạt động hiệu quả của ASEM trong thời gian qua đã đóng góp đáng kể thúc đẩy sự phục hồi kinh tế thế giới, hướng tới tăng trưởng bền vững, cân bằng, đồng đều, bảo đảm thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững cũng như ứng phó với các thách thức mà nhân loại đang đối mặt. Với những điều kiện thuận lợi và thế mạnh vốn có, hợp tác kinh tế giữa các thành viên ASEM cũng đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Thông qua các “Kế hoạch hành động thuận lợi hóa thương mại”, “Kế hoạch hành động xúc tiến đầu tư” và Diễn đàn doanh nghiệp Á - Âu, hai châu lục đã không ngừng mở rộng quan hệ thương mại, tài chính, đầu tư... giữa các doanh nghiệp và phối hợp chính sách trong các vấn đề kinh tế. Đối thoại và hợp tác ASEM cũng dần đi vào thực chất hơn, mở rộng các nội hàm hợp tác sang các vấn đề mới mang tính đa ngành, gắn kết với phát triển bền vững, ứng phó với các thách thức truyền thống và phi truyền thống.

Tiếp tục đóng góp tích cực cho thành công của ASEM, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị và là một trong 4 trưởng đoàn được mời phát biểu dẫn đề tại Phiên 1 về "Gắn kết hài hòa giữa hòa bình và phát triển bền vững". Là một trong những nước sáng lập ASEM, trong hơn 20 năm qua, Việt Nam luôn phát huy vai trò chủ động tham gia hợp tác Á - Âu, được đánh giá là một thành viên năng động và có trách nhiệm, ghi những dấu mốc có ý nghĩa trong chặng đường phát triển của ASEM, góp phần nâng cao vai trò và vị thế của diễn đàn. Việt Nam đã đề xuất 22 sáng kiến, đồng tác giả 26 sáng kiến khác và tất cả các sáng kiến đã được triển khai. Các đề xuất của Việt Nam đều được nhìn nhận là thiết thực, phù hợp với sự quan tâm của doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy hợp tác ASEM.

Hiện nay, tình hình quốc tế đang diễn biến phức tạp và khó lường, kinh tế thế giới phục hồi nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Châu Âu vẫn đang phải vượt qua các chấn động của cuộc khủng hoảng Anh rời Liên minh Châu Âu (EU) trong khi tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi giảm tốc. Các điểm “nóng” khu vực cũng căng thẳng hơn. Các vấn đề khác như dịch bệnh, khủng bố, an ninh, lương thực, tranh chấp lãnh thổ ngày càng phức tạp. Trong bối cảnh đó, hợp tác ASEM càng có ý nghĩa quan trọng, tiếp tục khẳng định vị thế và sự phát triển năng động của cả hai châu lục, đáp ứng tốt hơn lợi ích người dân cũng như hỗ trợ cho các nỗ lực chung của thế giới trong thập niên phát triển mới.

Thùy Dương