Đất dự án vẫn bị “xẻ thịt”
Bạn đọc - Ngày đăng : 07:46, 23/11/2017
Đất dự án sử dụng sai mục đích
Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Thanh Trì, Hoàng Mai… là những cái tên đang dẫn đầu danh sách những quận, huyện có số lượng dự án chậm tiến độ trên địa bàn thành phố. Tại đây, nhiều khu đất dự án đang bị sử dụng sai mục đích. Đơn cử tại quận Cầu Giấy, chỉ đếm sơ sơ quanh khu vực hai phường Trung Hòa và Yên Hòa đã có tới hàng chục dự án lớn, nhỏ đang bị “xẻ thịt” để buôn bán, kinh doanh. Đặc điểm chung của các khu đất này là vị trí rất đẹp, nằm ngay các trục đường lớn, thuận lợi giao thông và mật độ cư dân đông đúc. Tại Khu đô thị Nam Trung Yên, quanh khu vực chợ tạm, phóng viên dễ dàng đếm được cả chục khu đất đang treo biển trông giữ xe máy, rửa xe kiêm dịch vụ sửa chữa - bảo dưỡng ô tô, xe máy, sân bóng đá mini…
Kho bãi, kinh doanh dịch vụ… đua nhau nở rộ trên đất dự án tại quận Cầu Giấy. |
Ở một góc khác, toàn bộ dải đất kéo dài hàng trăm mét từ đầu đường Dương Đình Nghệ đến sát Trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục Hà Nội đang được chủ đầu tư “xẻ thịt” cho cả chục đơn vị thuê làm điểm kinh doanh gara ô tô và các kho chứa vật liệu xây dựng. Sau thời gian “án binh bất động” để né sự kiểm tra của cơ quan chức năng, kể từ khi xảy ra vụ cháy kho hàng tại lô đất E1.2 trên đường Phạm Hùng (quận Nam Từ Liêm) đầu tháng 4-2017, hiện các chủ kho, bãi trên tuyến đường này lại mở cửa kinh doanh nhộn nhịp suốt ngày đêm.
Những tấm biển cỡ lớn được dựng ngay trước cửa: Tổng kho đá Tuyết Lý, kho đá Trường Đông Ấn, kho Toàn Đông Ấn 3T, rửa xe ô tô Anh Hiệp, gara ô tô Hoàng Quân… và lượng xe ra vào nườm nượp, khiến người đi đường ngỡ đây là một khu công nghiệp thu nhỏ. Cách đó không xa, hai khu đất tại địa chỉ 299 và 179 Trung Kính đều đang bị biến thành các bãi gửi xe, kinh doanh dịch vụ ăn uống… Cụ thể, khu đất dự án tại 299 phố Trung Kính hiện biến thành bãi trông giữ xe có sức chứa cả trăm xe ô tô/ngày đêm với mức giá từ 1,2 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng/xe/tháng. Còn khu đất tại 179 Trung Kính được chủ đầu tư bám theo mặt đường, tận dụng để chia nhỏ, cho thuê làm cửa hàng dịch vụ sửa chữa xe, quán bia, cửa hàng ăn uống, giải khát. Diện tích đất phía trong được dành làm bãi trông giữ xe ô tô với cổng ra vào rất hẹp, có người canh gác suốt ngày đêm. Phía đường Mạc Thái Tông, một phần đất dự án xây dựng công viên cũng biến thành sân bóng đá mini, kiêm nhà hàng lẩu nướng vào buổi tối.
Cần có biện pháp xử lý dứt điểm
Nằm trong số những “điểm đen” về nạn sử dụng đất dự án sai mục đích phải kể đến là phường Đại Kim (quận Hoàng Mai). Đây là nơi đang tập trung hàng loạt khu đất dự án bị “xẻ thịt”, được báo chí nhiều lần điểm mặt, chỉ tên nhưng không hiểu vì lý do gì, càng phản ánh thì tình trạng hàng quán, dịch vụ mọc lên có xu hướng ngày càng “đông vui” hơn trước. Điển hình là khu đất dự án nằm tại góc cuối đường Vũ Tông Phan kéo đến cầu Đặng Xuân Bảng. Từ tháng 5-2017 đến nay, Báo Hànộimới đã có hai bài viết phản ánh về việc chủ đầu tư chia nhỏ khu đất này để cho thuê làm điểm kinh doanh hàng loạt dịch vụ: Sân bóng đá mini Đại Từ, điểm sửa chữa, bảo dưỡng xe, xưởng sản xuất kinh doanh đồ gỗ, cửa hàng bán đồ gỗ nội thất, quán bia, quầy bán hoa quả… Song, chính quyền địa phương không những không có động thái xử lý, mà còn để hàng quán ngày càng mọc thêm, hoạt động kinh doanh buôn bán tại khu đất cũng nhộn nhịp hơn trước!
Tháng 3-2017, phát biểu tại Hội nghị quán triệt triển khai kế hoạch về bảo đảm trật tự an toàn giao thông của Ban Chỉ đạo 197 Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung từng thẳng thắn chỉ rõ: “Hầu hết các quán bia, bãi giữ xe đều có người đứng sau “chống lưng”. Cũng sau vụ cháy nổ tại khu đất dự án sử dụng sai mục đích trên đường Phạm Hùng, đại diện Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy số 3 - Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội đã nêu rõ, chỉ tính riêng 3 quận do Phòng quản lý gồm: Cầu Giấy, Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm đã có tới 38 dự án đất chưa sử dụng và đang có khu nhà xưởng dựng lên cho thuê làm kho bãi, gara ô tô… Đáng nói, tất cả đều không đáp ứng điều kiện phòng, chống cháy nổ, trong đó nhiều điểm “trắng” về an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Đã đến lúc thành phố cần rà soát tổng thể, chỉ đạo các địa phương có phương án xử lý dứt điểm tình trạng sử dụng sai phép các khu đất dự án, thu hồi ngay những dự án chậm tiến độ, tránh lãng phí nguồn lực đất đai, gây thất thu ngân sách và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho xã hội.