Luật cần điều chỉnh để loại bỏ tư duy "hạ cánh an toàn"
Chính trị - Ngày đăng : 21:33, 23/11/2017
Phát biểu "mở màn" cho vấn đề này, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) thẳng thắn cho rằng, cần phải giải quyết tố cáo của cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu, bởi trong thực tiễn đã xảy ra nhiều câu chuyện buồn khi một số cán bộ lãnh đạo cận kề thời điểm nghỉ hưu đã không vượt qua được sự cám dỗ bình thường, làm trái công vụ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của Đảng, Nhà nước.
Báo chí có nhiều thuật ngữ rất hay, rất đúng, đó là "hội chứng nhiệm kỳ cuối", "chuyến tàu vét cuối cùng", "ga cuối cùng" để phản ảnh thực trạng đáng buồn đó. Câu hỏi đặt ra là tại sao thực tiễn có vấn đề mà pháp luật lại không điều chỉnh?
Khoản 6 Điều 4 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 đã quy định nguyên tắc xử lý tham nhũng ghi rõ "Người có hành vi tham nhũng đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác vẫn bị xử lý hành vi tham nhũng do mình đã thực hiện. Hiện nay, tại Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đang được Quốc hội thảo luận, tại Điều 112 vẫn xác lập nguyên tắc này.
Lý do thứ ba đại biểu Cầu nêu ra là thực tế gần đây nhân dân cả nước rất phấn khởi, tin tưởng và đồng thuận cao khi Đảng, Nhà nước xử lý nghiêm những sai phạm của một số quan chức đã nghỉ hưu không có vùng cấm. Việc xử lý như vậy có tác dụng răn đe, phòng ngừa rất lớn và được xã hội đồng thuận cao. Đó là những căn cứ rất thuyết phục. Còn Ban soạn thảo cho rằng, trong Luật Cán bộ công chức, viên chức không quy định cán bộ nghỉ hưu để loại bỏ trách nhiệm của người đã nghỉ hưu là không thuyết phục. Quốc hội sẽ sửa đổi những luật này vì nó đã trên 10 năm, không còn phù hợp với thực tiễn.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp). |
Góp ý về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi), đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) thống nhất với ý kiến của đại biểu Nguyễn Hữu Cầu và phải đề nghị bổ sung quy định về tố cáo, giải quyết tố cáo, hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu khi còn là công chức bị vi phạm pháp luật mà chưa phát hiện.
"Mặc dù Luật Công chức, Luật Viên chức chưa quy định về xử lý đối với người đã nghỉ hưu, nhưng nếu không quy định sẽ bỏ sót tội phạm, để "hạ cánh an toàn" - đại biểu Phạm Văn Hoà nêu.
Đại biểu Nguyễn Văn Khánh (Bình Dương) bày tỏ sự đồng tình với quan điểm Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) của Ủy ban Pháp luật là "khi tiếp nhận tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật trong thực thi nhiệm vụ, công vụ, bất kể người có hành vi vi phạm còn đang đương chức hay đã nghỉ hưu, chuyển công tác khác thì cơ quan có thẩm quyền đều có trách nhiệm xem xét, thụ lý và giải quyết theo quy định của Luật Tố cáo và pháp luật có liên quan".
Đại biểu Nguyễn Văn Khánh (Bình Dương). |
Đại biểu Khánh cho rằng, đây là bổ sung rất quan trọng và kịp thời, tạo cơ sở pháp lý để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xác định trách nhiệm của cán bộ, công chức khi không còn là cán bộ, công chức, viên chức nhưng có hành vi vi phạm pháp luật khi còn đương chức, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ được giao và đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, loại bỏ được tư duy "hạ cánh an toàn" trong đội ngũ cán bộ, công chức đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu.
Phát biểu tiếp thu ý kiến các ĐBQH, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nêu rõ quan điểm của cơ quan chủ trì soạn thảo là mọi hành vi vi phạm pháp luật cần được phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, kể cả hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian công tác trước đây nhưng nay đã nghỉ hưu.
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái. |
Dự thảo luật không quy định cụ thể mà quy định một cách khái quát "luật này quy định về tố cáo và giải quyết đối với những hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ công vụ, bao gồm cả tố cáo và giải quyết tố cáo đối với những người đã nghỉ hưu".
Khoản 4 Điều 12 dự thảo luật quy định cụ thể về thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ công vụ của cán bộ, công chức, viên chức xảy ra trong thời gian công tác trước đây nay đã chuyển công tác đến cơ quan, tổ chức khác bị mất chức, cho thôi việc, bị buộc thôi việc, tự ý thôi việc hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức. Quy định như vậy đảm bảo tính toàn diện trong xử lý những hành vi vi phạm pháp luật không chỉ đối với những người về hưu mà đối với những người không còn là cán bộ, công chức, viên chức.