Bộ biên niên sử "Tư trị thông giám" lần đầu tiên được phát hành tại Việt Nam

Sách - Ngày đăng : 17:21, 25/11/2017

(HNMO) - Ngày 25-11, Nhà xuất bản Văn học kết hợp cùng nhà sách Tri Thức Trẻ phát hành tập 1 bộ biên niên sử “Tư trị thông giám” của sử gia Tư Mã Quang.

Tác phẩm sử học “Tư trị thông giám” gồm 18 tập, được chuyển ngữ bởi nhóm dịch giả Bùi Thông - Phạm Thành Long - Nguyễn Đức Vịnh.

Bộ biên niên sử "Tư trị thông giám".


Trong suốt 5.000 năm lịch sử Trung Quốc xuất hiện hai sử gia nổi tiếng đó chính là Tư Mã Thiên, người biên soạn Sử ký và Tư Mã Quang, chủ biên tác phẩm sử biên niên đồ sộ "Tư trị thông giám". Đây cũng là hai tác phẩm sử học kinh điển “buộc phải đọc” đối với tất cả những ai muốn tìm hiểu và nghiên cứu lịch sử Trung Quốc.

Sử ký của Tư Mã Thiên là tác phẩm lịch sử vĩ đại nhất của Trung Quốc cổ đại, là bộ truyện ký đầu tiên viết theo thể Kỷ truyện; còn Tư trị thông giám là bộ sử biên niên hoàn chỉnh nhất của Trung Quốc cổ đại, được coi là sách giáo khoa bắt buộc cho vua, tôi, kẻ sĩ. Xét về tác dụng và mức độ ảnh hưởng đối với lịch sử, văn hóa, Tư trị thông giám đứng ngang hàng với Sử ký. Hai bộ sử này được người đời gọi là "Sử học song bích".

Nội dung của Tư trị thông giám bao trùm một khoảng thời gian lịch sử rất dài, bắt đầu từ Chu Uy Liệt vương thời nhà Chu (403 trước Công nguyên) và kết thúc vào đời Chu Hiển Đức nhà Hậu Chu (959 sau Công nguyên), tổng cộng 1.362 năm, xuyên suốt 16 triều đại chính thống (theo sắp xếp của Tư Mã Quang). Sách được phân thành 16 kỷ, gồm 294 quyển, cụ thể như sau: Chu kỷ (5 quyển); Tần kỷ (3 quyển); Hán kỷ (60 quyển); Ngụy kỷ (10 quyển); Tấn kỷ (40 quyển); Tống kỷ (16 quyển); Tề kỷ (10 quyển); Lương kỷ (22 quyển); Trần kỷ (10 quyển); Tùy kỷ (8 quyển); Đường kỷ (81 quyển); Hậu Lương kỷ (6 quyển); Hậu Đường kỷ (8 quyển); Hậu Tấn kỷ (6 quyển); Hậu Hán kỷ (4 quyển); Hậu Chu kỷ (5 quyển)… Ngoài ra, còn có 30 quyển mục lục, 30 quyển khảo dị...

Tư trị thông giám là bộ sử biên niên cực kỳ quan trọng của Trung Quốc, nó không chỉ cung cấp những kinh nghiệm quý báu cho giai tầng thống trị, mà còn có giá trị sử liệu rất cao. Tài liệu mà Tư trị thông giám trích dẫn vô cùng phong phú, ngoài chính sử ra, còn có 322 loại tài liệu liên quan đến dã sử, truyện trạng, phả lục... Những tài liệu cổ này đến nay phần lớn đã thất truyền, nhờ Tư trị thông giám, giới học thuật thấy lại được một phần của rất nhiều tài liệu đã mất, một phần tri thức của người xưa qua sách này được bảo tồn.

T. Minh