Thầm lặng những “chuyến đò” đặc biệt
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:34, 26/11/2022
Các cung bậc cảm xúc khi đứng lớp
Các thế hệ học sinh được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục tại cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) là những trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Các em không may bị lây nhiễm hoặc truyền nhiễm HIV, lại mất nguồn nuôi dưỡng từ cộng đồng hoặc bị bỏ rơi. Mang trong mình “căn bệnh thế kỷ”, phải uống thuốc điều trị hằng ngày, nên sức khỏe của các em không tốt, sức đề kháng yếu…
Vì nhiều lý do nên các lớp mầm non, tiểu học được tổ chức tại cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội suốt gần 20 năm qua. Năm học 2022-2023, trẻ em được nuôi dưỡng tại đây đã lớn, nên “ngôi trường” đặc biệt này chỉ có học sinh ở bậc tiểu học, gồm lớp 1, lớp 2, lớp 3 và lớp 5, không có học sinh lớp 4.
Học sinh lớp 1 và lớp 2 học chung một phòng, chia lớp theo vị trí phải, trái của bảng, do cô giáo Đinh Thị Thủy (sinh năm 1968), Trường Tiểu học Yên Bài B đứng lớp. “Mỗi lớp có 2 học sinh những tưởng sẽ nhàn nhã, nhưng thực tế thì vất vả vô cùng”, cô giáo Thủy cho hay.
Chứng kiến giờ dạy cho học sinh vào ngày 23-11 vừa qua, phóng viên Báo Hànộimới thấu hiểu hơn lời giáo viên chia sẻ. Khi giáo viên giảng bài, em V.T.N., học sinh lớp 1 không nghe giảng, mà ngồi cắn móng tay, nhíu mày, thỉnh thoảng co rúm người lại. Thấy vậy, cô giáo Thủy nhẹ nhàng đến bên ân cần động viên “con sẽ làm được” và cầm tay N. uốn từng nét chữ, hướng dẫn làm phép trừ trong phạm vi nhỏ hơn 10 bằng cách đếm ngón tay lặp đi lặp lại nhiều lần. Khi hiểu bài, N. mừng rỡ reo lên: “A, con làm được rồi, con được cô khen rồi”. Học lớp 1 đến năm thứ ba, N. mới phân biệt được nét chữ, phép tính. Cùng lớp với N. là N.N.A.T., thường nhõng nhẽo hay òa khóc nên những bài giảng của cô giáo liên tục bị gián đoạn. “Trong những tình huống này, tôi vừa làm giáo viên mầm non, vừa làm mẹ của các con”, cô giáo Thủy bày tỏ.
Lớp 2 có Đ.T.A. và K.B.A. tuy nhận thức tốt hơn, nhưng cũng liên tục xảy ra những tình huống tương tự lớp 1. Để học sinh phân biệt được chữ G và Gh, chữ Ch và Tr, cô giáo Thủy phải dùng hình ảnh trực quan thân thuộc là cái ghế, cây tre, con trâu, con chó… Bền bỉ gieo từng nét chữ, Đ.T.A. và K.B.A. đã dần biết đọc, viết, ríu rít chia sẻ với giáo viên cũng là người mẹ thứ hai của các em những cảm xúc, suy nghĩ của trẻ thơ.
Còn lớp 3 (2 học sinh) và lớp 5 (3 học sinh) do cô giáo Phùng Thị Thúy Hà (sinh năm 1978) làm chủ nhiệm. Mỗi học sinh là một hoàn cảnh, câu chuyện dài về sự quan tâm, chia sẻ, yêu thương giữa con người với con người, để các em được đến trường như bạn bè cùng trang lứa. Trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, cô giáo Hà xúc động nghẹn ngào khi học sinh lớp 3 T.V.B. bị khuyết tật trí tuệ có thể viết 2 câu văn gãy gọn, chất chứa tình yêu thương: “Ngày thứ bảy, chủ nhật, em rất nhớ cô. Em rất mong đến trường để được gặp cô”. Đối với cô giáo Hà, đây là món quà tặng ý nghĩa nhất trong Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 năm nay…
Cứ thế, những giáo viên đứng lớp tại những lớp học đặc biệt dành cho trẻ em có HIV vừa là cô giáo, vừa là mẹ, vừa là bạn của các em, vừa dạy kiến thức, vừa dạy văn - thể - mỹ. Các giờ giảng không diễn ra theo giáo án, mà linh hoạt theo tình trạng sức khỏe và khả năng nhận thức của học sinh, nhưng vẫn bảo đảm kiến thức cơ bản theo chương trình phổ thông.
Tình yêu thương là sợi dây kết nối
Chia sẻ về hành trình gắn bó với các học sinh đặc biệt, cô giáo Phùng Thị Thúy Hà nói: “Tình yêu thương là sợi dây kết nối giữa các giáo viên với học sinh ngày càng bền chặt, sâu sắc hơn. Chính những học sinh đặc biệt với những câu chuyện cảm động đã giúp chúng tôi trưởng thành hơn trong nghề, có thêm kinh nghiệm sống và cảm nhận rõ hơn những thanh âm đa dạng của cuộc sống”.
Cô giáo Hà không thể quên hình ảnh học sinh Đ.Đ.T.T.N. trả lời câu hỏi “Quê con ở đâu, gia đình con có mấy người?” trong giờ học môn tự nhiên - xã hội rằng: “Thưa cô, con bị bỏ rơi ở cổng trại ạ” (cổng cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội). “Câu trả lời này của con khiến tôi bừng tỉnh và nhận ra, tôi đang dạy những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, không thể đưa những bài học theo sách giáo khoa vào dạy tại đây. Mỗi khi nhớ lại, câu trả lời ấy khiến tôi nhói lòng”, cô giáo Hà bộc bạch.
Còn đối với cô giáo Đinh Thị Thủy, ước mơ “Chúng con muốn có gia đình, có người thân, được đi học” của học trò đã thổi bùng lên sự nhiệt huyết với nghề, yêu thương học sinh có HIV.
Đồng hành với những người “lái đò” đặc biệt là người thân của các giáo viên, sự quan tâm của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.
Chia sẻ về công việc của người bạn đời, anh Phùng Trường Sơn (chồng của cô giáo Hà) nói: “Nếu ai cũng chọn công việc nhẹ nhàng, thì ai sẽ là người chăm sóc, dạy dỗ những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Mong muốn chia sẻ khó khăn với các em, nên tôi luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho vợ tôi yên tâm công tác”. Còn Hoàng Anh Nam (con trai của cô giáo Thủy), khi chứng kiến tình yêu thương, sự quan tâm của mẹ dành cho các thế hệ học sinh có HIV, đã gác lại ước mơ trở thành cảnh sát để trở thành nhân viên y tế làm việc tại cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội.
Giám đốc cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội Hoàng Văn Luật cho biết: “Giai đoạn học tiểu học là bước chuyển biến trong nhận thức của những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, từ những đứa trẻ ngây thơ, các em dần biết rõ về hoàn cảnh, số phận của mình. May mắn thay, trên bước đường trưởng thành, các em luôn có sự đồng hành của những giáo viên có tấm lòng nhân ái, đong đầy yêu thương, điển hình là cô giáo Thủy, cô giáo Hà”.
Nhận được sự quan tâm của cộng đồng, nhiều học sinh có hoàn cảnh đặc biệt lớn lên từ cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội đã đi học hòa nhập tại các trường từ trung học cơ sở đến trung học phổ thông, đại học, nhiều em đã ra trường, đi làm, có gia đình riêng. Dẫn theo chồng cùng 2 đứa con khỏe mạnh, xinh xắn khi về thăm các cô giáo dịp 20-11 vừa qua, L.T.U. đã nhắn nhủ tới các em học sau mình: “Có tri thức và niềm tin, chắc chắc sẽ chiến thắng số phận, rộng mở cơ hội hòa nhập xã hội”.
Chia sẻ lạc quan, sự chiêm nghiệm từ chính bản thân mình của L.T.U. không chỉ là một lời tâm sự với những người em cùng cảnh ngộ ở cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội mà còn là một thông điệp hữu ích nhân Ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1-12) đang đến gần.