Tăng phí giữ xe sẽ góp phần hạn chế phương tiện cá nhân
Xã hội - Ngày đăng : 07:08, 26/11/2017
Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội Vũ Văn Viện. Ảnh: Tuấn Lương |
Tình trạng thu cao hơn quy định vẫn thường xuyên diễn ra
- UBND TP Hà Nội vừa đề xuất HĐND thành phố ban hành nghị quyết về điều chỉnh phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố. Xin ông cho biết tại sao lại có đề xuất này?
- Trong Nghị quyết số 20/2016/NQ-HĐND ngày 6-12-2016 của HĐND thành phố, tại Khoản 2, Điều 2 có quy định: “Xây dựng phương án tổ chức thí điểm dừng, đỗ xe thông minh áp dụng tại lòng đường, vỉa hè trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, thực hiện từ ngày 1-7-2017; xây dựng phương án tổng thể thu phí lòng đường, vỉa hè áp dụng thống nhất, bình đẳng giữa các đơn vị, trình HĐND thành phố tại kỳ họp gần nhất”.
Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND của HĐND TP Hà Nội cũng đã đề cập đến giải pháp xây dựng giá trông giữ phương tiện lũy tiến và theo khu vực. Mức giá dịch vụ trông giữ phương tiện được thực hiện từ năm 2012 đến nay có một số chi phí đã biến động tăng, như tiền lương, bảo hiểm, nguyên vật liệu... Trên thực tế, do mức giá chưa kịp điều chỉnh nên tình trạng thu cao hơn giá quy định, không niêm yết giá, không có chứng từ thu… vẫn diễn ra, mặc dù cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý thường xuyên.
Trước tình hình đó, UBND thành phố xem xét phương án điều chỉnh giá trông giữ xe do liên ngành Tài chính; GT-VT; Lao động, Thương binh và Xã hội; Thuế đề xuất. Việc điều chỉnh mức phí sử dụng lòng đường, hè phố nhằm bảo đảm điều tiết nguồn thu vào ngân sách nhà nước. Dự kiến, nếu được HĐND thành phố thông qua ngay tại kỳ họp tháng 12 tới, UBND thành phố sẽ phê duyệt để chính thức áp dụng trên toàn địa bàn.
- Xin ông cho biết cụ thể các phương án điều chỉnh mức thu phí?
- Giá dịch vụ trông giữ xe được điều chỉnh nhằm thực hiện một trong 45 giải pháp tại Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030” (Đề án) đã được HĐND thành phố thông qua tại Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND.
Đó là: Tại các điểm trông xe theo hình thức iParking, áp dụng mức giá dịch vụ lũy tiến, mỗi lượt 60 phút, giờ sau giá cao hơn giờ trước. Lượt thứ nhất và thứ hai giá 25.000 đồng/giờ; lượt thứ ba và thứ tư giá 35.000 đồng/giờ; lượt thứ năm và thứ sáu giá 45.000 đồng/giờ. Tại các vị trí sử dụng lòng đường, hè phố để trông giữ phương tiện thì giá trông giữ xe giảm dần theo khu vực, từ các tuyến phố cần hạn chế ở quận Hoàn Kiếm đến đường Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 3, các huyện ngoại thành.
Giá trông giữ xe tại lòng đường, hè phố cao hơn so với giá trông giữ xe tại các bãi đỗ xe theo quy hoạch, bãi đỗ xe tập trung để khuyến khích phát triển các bãi đỗ xe hiện đại và tập trung, hạn chế việc sử dụng lòng đường, hè phố làm nơi trông giữ phương tiện.
Cụ thể, sẽ tăng phí 300% đối với các tuyến cần hạn chế, tăng 250% đối với các tuyến phố từ Vành đai 1 đến đô thị lõi, tăng 130% đối với các tuyến phố từ Vành đai 2 đến Vành đai 1, tăng 130% đối với các tuyến phố từ Vành đai 3 đến Vành đai 2 và giữ nguyên mức phí từ ngoài Vành đai 3 ra khu vực ngoại thành và thị xã Sơn Tây. Như vậy, bình quân tăng 2 lần trên toàn địa bàn.
Từ nguyên tắc trên, sẽ xác định chi phí để bảo đảm cho doanh nghiệp hoạt động ổn định với mức lợi nhuận hợp lý 4,5% trên tổng chi phí, phần còn lại nộp ngân sách nhà nước. Trông giữ theo phương thức thủ công nộp phí theo mét vuông diện tích sử dụng; trông giữ theo iParking nộp phí bằng 30% doanh thu.
Cơ bản không ảnh hưởng đến chi tiêu của người dân
- Nhiều ý kiến cho rằng, mức tăng phí như đề xuất là cao, sẽ trở thành gánh nặng cho người dân. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Liên ngành thành phố cho rằng, mức điều chỉnh giá dịch vụ trông giữ xe đề xuất tiệm cận với giá thị trường chấp thuận, tức là theo khảo sát của đơn vị tư vấn, đa số người dân đã phải trả mức giá dịch vụ này, nên cơ bản không ảnh hưởng đến chi tiêu của người dân. Trong khi, việc tăng giá này buộc doanh nghiệp phải nâng cao năng lực cạnh tranh, cung cấp dịch vụ tốt hơn, hạn chế vi phạm như thu tiền cao hơn giá quy định...
Mức tăng phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố đối với trông giữ phương tiện giao thông tại các quận nội thành, được thực hiện đồng thời với việc tăng giá dịch vụ trông giữ phương tiện giao thông theo khu vực, lũy tiến theo giờ, cũng là giải pháp buộc chủ phương tiện giao thông cân nhắc chuyển từ việc sử dụng phương tiện cá nhân sang các phương tiện công cộng. Đây là biện pháp kinh tế để thực hiện Đề án đã được HĐND thành phố thông qua.
- Thành phố đã tổ chức nhiều đợt ra quân nhằm giải tỏa các điểm trông giữ xe sai phép, trái phép, thu quá giá quy định. Tuy nhiên, kết quả còn khá hạn chế. Vậy, giải pháp quản lý, xử lý vấn đề này như thế nào, thưa ông?
- Theo thống kê, trên địa bàn thành phố hiện có 1.436 điểm trông giữ phương tiện. Chỉ tính từ ngày 1-1-2017 đến ngày 30-10-2017, lực lượng Thanh tra Sở GT-VT đã kiểm tra lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với 330 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 1,4 tỷ đồng. Vi phạm còn nhiều và xuất phát từ những nguyên nhân như: Nhu cầu dừng đỗ xe của người dân cao, hệ thống hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp; do lợi nhuận về trông giữ xe cao nên các đơn vị cố tình vi phạm.
Vào các ngày lễ, nhiều đơn vị lợi dụng tăng giá trái phép. Thành phố đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý; đồng thời nhân rộng mô hình trông giữ xe thông minh iParking để kiểm soát doanh thu, lập lại trật tự văn minh đô thị.
Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư
- Hà Nội đang tập trung phát triển hệ thống đỗ xe cao tầng, iParking... Vậy, việc tăng phí có giúp đẩy mạnh tiến độ triển khai các dự án?
- Theo Đồ án quy hoạch GT-VT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, khu vực từ Vành đai 3 trở vào có 416 bãi đỗ xe, với tổng diện tích dự kiến khoảng 346,60ha. Đến nay, đã có 88 dự án bến, bãi đỗ xe được duyệt, nhưng mới có 20 dự án hoàn thành, 16 dự án đang triển khai, còn lại chưa đầu tư. Ngoài ra, Sở GT-VT Hà Nội đã khảo sát khoảng 1.500 điểm đủ điều kiện trông giữ xe. Các điểm này sẽ ứng dụng công nghệ iParking. Với mức tăng giá trông giữ xe tại lòng đường, hè phố cao hơn các bãi đỗ xe tập trung sẽ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư các bãi đỗ xe hiện đại, tầng hầm trông giữ xe; tạo nguồn cung cho hệ thống giao thông tĩnh vốn đang hạn chế của thành phố, đặc biệt là các quận nội thành. Tuy nhiên, công tác giám sát cần thường xuyên và liên tục để kịp thời chấn chỉnh việc vi phạm về quản lý giá trông giữ xe trên địa bàn, tạo công bằng, minh bạch trong quản lý hoạt động giao thông tĩnh.
- Khi nào đề xuất này sẽ được trình HĐND thành phố và lộ trình dự kiến thực hiện?
- Ngày 8-11-2017, Ban Cán sự đảng thành phố đã báo cáo và được Thường trực Thành ủy Hà Nội chấp thuận các nội dung điều chỉnh quy định thu, mức thu, phương pháp thu đối với việc sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố để trông giữ phương tiện giao thông. UBND thành phố đang lấy ý kiến đóng góp của công dân qua Cổng thông tin điện tử, đã tổ chức lấy ý kiến phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội. Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố sẽ thẩm tra trong tháng 11-2017.
Theo kế hoạch, nội dung sửa đổi bổ sung quy định thu phí này sẽ báo cáo trước HĐND thành phố tại kỳ họp cuối năm 2017. Ngày 17-11-2017, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chủ trì cuộc họp tập thể UBND thành phố để xem xét dự thảo Tờ trình HĐND thành phố về việc sửa đổi, bổ sung quy định thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn. T
ại cuộc họp này, Chủ tịch UBND thành phố đã kết luận cơ bản thống nhất với đề xuất của liên ngành và giao Cục Thuế Hà Nội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện tờ trình; giao Sở GT-VT Hà Nội rà soát việc cấp phép các điểm đỗ xe trên địa bàn thành phố (đặc biệt đối với các điểm đỗ xe miễn phí) để tham mưu, báo cáo UBND thành phố theo đúng quy định.
Hiện các bước đang được triển khai theo đúng quy định hiện hành, dự kiến mức phí mới và phương pháp thu phí đối với iParking áp dụng đồng thời cùng giá dịch vụ trông giữ được điều chỉnh từ ngày 1-1-2018.
- Trân trọng cảm ơn ông!