TP Hồ Chí Minh: Làm gì để du lịch đường thủy “cất cánh”?

Du lịch - Ngày đăng : 16:23, 28/11/2017

(HNMO) - Chiều ngày 28-11, Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng Sở Du lịch thành phố và Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức tọa đàm “Phát triển đường thủy gắn với sản phẩm du lịch TP Hồ Chí Minh”.

TP Hồ Chí Minh có hệ thống sông, kênh Sài Gòn có tổng chiều dài khoảng 1.000km. Đây là lợi thế lưu thông cũng như khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch đường sông.

Du lịch đường thủy đang được chính quyền TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh phát triển.


TP hiện có nhiều tuyến đường thủy nằm ngay trung tâm, thuận tiện trong việc vận chuyển hành khách như: Tuyến sông Sài Gòn, kênh Tẻ, kênh Đôi, kênh Tàu Hủ, kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè… Vừa qua UBND TP đã ban hành kế hoạch phát triển du lịch đường thủy thành phố giai đoạn 2017-2020, mục tiêu đến năm 2020 sẽ có ít nhất 7 chương trình du lịch đường thủy được đưa vào khai thác trên các tuyến sông, bao gồm Sài Gòn, Đồng Nai, Nhà Bè, Soài Rạp, Lòng Tàu và các tuyến kênh nội đô.

Số lượng khách du lịch đường thủy đến TP Hồ Chí Minh năm 2017-2018 phấn đấu đạt khoảng 450.000 lượt khách/năm và tăng khoảng 15% trong những năm tiếp theo. Thành phố cũng đặt mục tiêu số lượng khách quốc tế đi đường biển đến đạt 470.000 lượt/năm trong giai đoạn 2017-2018.

Nhiều tiềm năng và lợi thế như vậy, nhưng theo đại diện Sở Du lịch thành phố, hoạt động du lịch đường thủy cũng gặp không ít khó khăn. Việc tạm ngưng hoạt động tại bến thủy trung tâm (Bến Bạch Đằng) đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động du lịch đường thủy từ năm 2015, làm giảm lượng khách tham gia vào các chương trình du lịch đường thủy và khách sử dụng dịch vụ ăn tối, thưởng ngoạn trên sông cũng như hoạt động của các doanh nghiệp du lịch đường thủy.

Các điểm dừng chân trên tuyến du lịch đường thủy còn thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng lẫn sự hấp dẫn, nhất là trên các tuyến tầm trung hiện nay, do đoạn đường di chuyển dài, làm giảm sức hấp dẫn của chương trình nếu không phát triển điểm dừng chân phù hợp.

Đặc biệt, cảnh quan hai bên các tuyến kênh chưa được quy hoạch và cải tạo làm cho sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch đường thủy còn ở mức nghèo nàn, chưa tạo điểm nhấn cho sản phẩm du lịch đường thủy.

Nhiều doanh nghiệp hoạt động du lịch đường thủy, các chuyên gia quy hoạch giao thông tham gia buổi tọa đàm cho rằng, để du lịch đường thủy TP Hồ Chí Minh "cất cánh" cần đưa ra các chính sách cụ thể và rõ ràng, đặc biệt ưu tiên việc phát triển hạ tầng bến bãi, thu hút các doanh nghiệp du lịch, ưu đãi về thuế, phí... Đồng thời, chính quyền thành phố cần vạch ra quy hoạch tổng thể về phát triển du lịch đường thủy dài hạn, có thể là hàng chục năm sau, để loại hình du lịch này có thể “cất cánh”.

Hà Phạm