Không thể quản lý, không có “thuốc chữa”?

Xã hội - Ngày đăng : 10:34, 28/11/2017

(HNMO) - Liên tiếp các vụ bạo hành trẻ em xảy ra ở Hà Nam và thành phố Hồ Chí Minh gần đây, khiến dư luận băn khoăn: Phải chăng vấn đề này không thể quản lý, không có thuốc chữa?



- Thưa ông, ông đánh giá thế nào về tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em có xu hướng gia tăng và ngày càng phức tạp?

- Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em, dành nhiều sự quan tâm, chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em. Song, không thể phủ nhận tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Theo thống kê, từ năm 2011 đến nay, trung bình mỗi năm nước ta xảy ra hơn 1.000 vụ xâm hại trẻ em (8 giờ lại có một trẻ em bị xâm hại). Trước đây, trẻ bị xâm hại thường từ 13 đến18 tuổi, thì nay xuất hiện nhiều vụ việc nạn nhân từ 5 đến 13 tuổi, thậm chí vài ngày, vài tháng tuổi. Trong đa số vụ việc, thủ phạm là họ hàng, người thân hoặc quen biết với nạn nhân.

Dự báo, thời gian tới, thông tin tố cáo, tố giác về các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em sẽ tăng lên. Bởi vì, Nhà nước đã có những quy định rõ ràng, cụ thể về trách nhiệm tố cáo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em đối với từng tổ chức, cá nhân. Người tố giác và nạn nhân được giữ bí mật tuyệt đối về thông tin, được pháp luật bảo vệ.

Để có thể đánh giá khách quan, tôi cho rằng các cơ quan chức năng nên phối hợp nghiên cứu, khảo sát các vấn đề liên quan đến trẻ em kỹ lưỡng hơn, từ đó đưa ra giải pháp chăm sóc, bảo vệ trẻ em phù hợp hơn.

- Theo ông, giải pháp cần thiết để bảo vệ trẻ em khỏi nạn bạo lực, xâm hại là gì?

- Trở lại vấn đề người có trách nhiệm chăm sóc hoặc quen biết với trẻ em lại là đối tượng có hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em nhiều nhất. Điều đó chỉ có thể lý giải là những đối tượng này còn thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu kỹ năng ứng xử, giao tiếp, chăm sóc trẻ em. Nguyên nhân khác là do công tác phòng ngừa, đấu tranh chống bạo lực, xâm hại trẻ em từ mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng còn hạn chế. Quyền lợi của trẻ em có phần bị coi nhẹ.

Trẻ em là tương lai của đất nước. Trẻ em phải được chăm sóc, bảo vệ, giáo dục toàn diện thì đất nước mới có nguồn nhân lực đủ mạnh. Do đó, ngay từ bây giờ, các ngành, địa phương cần tăng cường phối hợp trong mọi hoạt động; đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về trẻ em. Ngành Giáo dục và Đào tạo nên triển khai sớm chương trình tư vấn, tham vấn học đường, phối hợp với mạng lưới công tác xã hội, chuyên gia trị liệu tâm lý hỗ trợ kịp thời những trường hợp đặc biệt. Ngoài ra, tiêu chuẩn thành lập các cơ sở chăm sóc trẻ em cần được quy định chặt chẽ hơn. Trong gia đình, cha mẹ cần trang bị cho con cái kiến thức, kỹ năng chủ động phòng, tránh bạo lực. Bản thân người làm cha, mẹ cũng cần tự hoàn thiện kỹ năng ứng xử, giao tiếp, chăm sóc trẻ em.

Giải pháp quan trọng khác, theo tôi đó là triển khai hiệu quả Luật trẻ em và Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 9-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em.

- Trong hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em, các cơ quan chức năng có vai trò như thế nào, xin ông cho biết rõ hơn?

- Trước khi đi vào nội dung câu hỏi, tôi xin khẳng định, khung pháp lý bảo vệ trẻ em hiện nay đã tương đối đầy đủ, hoàn thiện, đủ sức răn đe. Các hành vi liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em đều bị coi là tình tiết tăng nặng, áp khung hình phạt cao. Xâm hại trẻ em càng nhỏ tuổi, hình phạt càng nặng. Tôi muốn nhấn mạnh đến sự hoàn thiện của pháp luật để thấy rằng, lỗ hổng trong quá trình thực thi pháp luật nằm ở khâu triển khai.

Trong hệ thống pháp luật về trẻ em hiện hành, vai trò của các cơ quan chức năng được quy định rất rõ. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ nếu nhận được ý kiến, nguyện vọng của trẻ em về những vấn đề có tác động, ảnh hưởng đến trẻ em thì phải tiếp nhận, xem xét và trả lời trực tiếp cho trẻ em. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra các hoạt động có sự tham gia của trẻ em. UBND các cấp quản lý, tạo điều kiện để trẻ em được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nhà trường tạo điều kiện cho học sinh tham gia các hoạt động xã hội phù hợp…

Đối với những vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em, tại Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16-5-2017 về tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao rà soát toàn bộ hồ sơ tồn đọng. Những vụ việc mới phát sinh phải được ưu tiên xử lý. Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về việc chậm trễ xử lý những vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em. Nhiều tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch bảo vệ trẻ em và yêu cầu chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND cấp tỉnh; chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm trước UBND cấp huyện về hành vi chậm trễ trong xử lý các việc bạo lực, xâm hại trẻ em.

- Nguồn lực đầu tư cho việc phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em đủ đáp ứng nhu cầu chưa, thưa ông?

- So với những năm trước, nguồn lực đầu tư cho trẻ em hiện nay lớn hơn rất nhiều. Theo Quyết định số 565/QĐ-TTg ngày 25-4-2017 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2020”, ngân sách Nhà nước bảo đảm chi cho tất cả các dịch vụ hỗ trợ trẻ em có nguy cơ cao hoặc trẻ em đang bị bạo lực xâm hại. Chính sách này bắt đầu được triển khai trong thực tế. Trên tinh thần đó, Cục Trẻ em đề nghị các tỉnh, thành phố sớm phân bổ nguồn ngân sách trung ương và địa phương để triển khai những biện pháp phòng ngừa, bảo vệ trẻ em. Cùng với nguồn lực tài chính, nguồn lực con người cũng được quan tâm hơn. Tương lai, mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất một người làm công tác bảo vệ trẻ em.

Với hệ thống pháp luật đầy đủ, hoàn thiện, nguồn lực dành cho hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em tăng lên, tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em hoàn toàn có thể quản lý, có “thuốc đặc trị”. Nếu các cơ quan chức năng và cộng đồng xã hội nghiêm túc thực hiện các quy định hiện hành, chung tay chăm sóc, bảo vệ trẻ em, tôi tin trẻ em sẽ có môi trường an toàn để phát triển.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Minh Ngọc