STEM - Chìa khóa khơi dậy khả năng sáng tạo
Giáo dục - Ngày đăng : 07:35, 28/11/2017
Học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận Hoàn Kiếm) tham gia thí nghiệm trong khuôn khổ Ngày hội STEM. Ảnh: Hải Anh |
Bước đệm tới khoa học và công nghệ
Hiện nay, trên thế giới, giáo dục STEM đang là một hướng phát triển rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, với từng nền giáo dục, việc tiếp cận STEM như thế nào cho phù hợp là điều hết sức quan trọng. Các hoạt động xung quanh cuộc thi Robothon do Bộ KH-CN chủ trì đã truyền cảm hứng cho người học với các môn học STEM và mang tính lan tỏa tốt. Đây là cuộc thi lắp ráp và lập trình robot dành cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở, là hoạt động thường niên được tổ chức luân phiên tại các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Được đánh giá là sân chơi bổ ích, trí tuệ, khuyến khích sự sáng tạo dành cho các học sinh đam mê STEM nói chung và lĩnh vực robot nói riêng, cuộc thi Robothon diễn ra mới đây chính là bước đệm đưa các em đến gần hơn với khoa học và công nghệ tương lai. Cuộc thi là một hình thức tiếp cận sinh động các môn học STEM, như một phương thức giáo dục mới mẻ. Ở đó, các em học sinh được trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan tới các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.
Được hỏi về cảm nhận khi tham gia trải nghiệm với Robothon, em Nguyễn Gia Linh, học sinh lớp 8A4, Trường THCS Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) cho biết: "Những hoạt động trong khuôn khổ cuộc thi giúp em cảm thấy tự tin và rất hữu ích khi kết hợp trải nghiệm thực tế với các bài giảng trên lớp. Qua đó, học sinh có thể phát triển được hết khả năng của mình, chẳng hạn như có thể theo đuổi ước mơ làm công việc liên quan đến robot. Ngoài ra, Robothon cũng là một sân chơi để thử nghiệm phương pháp học của giáo dục STEM và các môn học STEM, phát triển kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng xây dựng một dự án cũng như khả năng lập trình".
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, kỹ thuật viên Học viện STEM, lợi thế của bộ môn robotic là sử dụng bộ công cụ robot làm công cụ đắc lực, lồng ghép được các bài học khoa học. Điều đó giúp các em học sinh dần dần hình thành tư duy khoa học, tư duy thuật toán để xử lý loạt vấn đề. Thay vì chỉ học theo thầy như bình thường thì các em có thể có tư duy riêng, cách xử lý vấn đề riêng. Nhờ đó, học sinh trở nên tập trung và hứng thú với bài học hơn.
Đón đầu Cách mạng 4.0
Mặc dù khái niệm về giáo dục STEM xuất hiện tại Việt Nam chưa lâu song các nhà quản lý giáo dục đã ý thức được tầm quan trọng của hoạt động này.
Ông Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT cho rằng: Nền giáo dục mà chúng ta đang hướng tới không chỉ chú trọng kiến thức, mà còn tập trung vào việc dùng kiến thức đó giải quyết những bài toán thực tiễn. Do đó, giáo dục STEM là một trong những hướng mà các nhà trường quan tâm để có thể phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. “Chúng tôi thấy rằng đây là vấn đề hết sức quan trọng để giúp phát triển thể chất, năng lực học sinh, để đào tạo được một lớp người Việt Nam mới có thể đáp ứng được những yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước”, ông Tạ Ngọc Trí khẳng định.
Bà Đỗ Thị Loan, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Đỉnh (Hà Nội) cũng cho rằng, tham gia những chương trình theo mô hình giáo dục STEM, học sinh được kích thích trí tưởng tượng, yêu khoa học hơn. Với những kỹ năng như khả năng lập trình, vận hành và lắp ráp robot, các em sẽ dần có tư duy và kiến thức khoa học ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, góp phần tạo khả năng đón đầu kỷ nguyên Cách mạng 4.0. Với thế mạnh như giáo dục tích hợp theo cách tiếp cận liên môn, đề cao việc hình thành và phát triển năng lực giải quyết vấn đề, tạo phong cách học tập sáng tạo…, giáo dục STEM chính là một trong những định hướng mà giáo dục cần tiếp cận.
Từ năm 2015 trở lại đây, giáo dục STEM đã được đưa vào nhiệm vụ năm học của các sở giáo dục. Bộ GD-ĐT cũng đã khẳng định, trong chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ có đầy đủ 4 môn học STEM. Tuy nhiên, cũng theo các nhà quản lý nói trên, phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, việc tiếp cận giáo dục STEM trong hoàn cảnh thực tế với trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, cơ sở vật chất của các nhà trường, điều kiện kinh tế - xã hội của các địa phương hiện nay, là không hề đơn giản. Như tại Học viện STEM, các môn học của học viện đều liên quan đến robot, các trang thiết bị đầu tư cũng rất đắt tiền, khó có thể đưa ngay vào dạy đại trà. Ngoài ra, hiện nay, ở các trường học đều chưa có đội ngũ giáo viên STEM, chỉ có giáo viên dạy tin học hoặc giáo viên dạy khoa học tự nhiên. Do vậy, cần thời gian để có được các giáo viên STEM tại trường hoặc lập ra các câu lạc bộ STEM.
Để giải quyết những trở ngại khi đưa giáo dục STEM vào thực tiễn, những vấn đề như sự phối hợp của phụ huynh và học sinh, năng lực của giáo viên hay việc đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học cần được quan tâm hơn nữa, đặc biệt là nếp nghĩ “thi gì học nấy” phải được loại bỏ. Điều này không chỉ thể hiện rõ tư tưởng giáo dục STEM, mà còn là sự điều chỉnh kịp thời của giáo dục phổ thông trước cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.