ASEAN trước triển vọng tươi sáng
Thế giới - Ngày đăng : 07:05, 28/11/2017
Lãnh đạo các nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Hội nghị Cấp cao lần thứ 31. |
Theo đó, nguyên nhân khiến kinh tế ASEAN tăng trưởng tốt là nhờ sự liên kết khu vực ngày càng lớn, kết nối hạ tầng giao thông ngày càng tốt, cùng với công cuộc cải cách tiếp tục được đẩy mạnh. Fitch cho rằng, Myanmar và Việt Nam sẽ là hai quốc gia đạt mức tăng trưởng cao trong khu vực, trong đó tốc độ tăng trưởng kinh tế của Myanmar có thể đạt trung bình 7,2%/năm trong 10 năm tới.
Việt Nam được cho là sẽ ghi dấu ấn tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới nhờ môi trường chính trị ổn định, công cuộc cải cách được đẩy mạnh, môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi. Đặc biệt, lĩnh vực sản xuất được hưởng lợi từ việc các công ty đa quốc gia đang hướng tới Việt Nam nhằm tận dụng mức chi phí sản xuất thấp. Nhận định này một lần nữa khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ phát triển kinh tế toàn cầu. Với xuất phát điểm từ một trong những nền kinh tế kém phát triển thế giới, Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành nước có thu nhập trung bình. Trong thập kỷ qua, tổng sản phẩm quốc nội tăng trưởng trung bình 6,29%/năm; năm 2017 dự kiến đạt 6,7%/năm. Trong 10 tháng năm 2017, Việt Nam đã thu hút được 28,24 tỷ USD đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn hóa thị trường chứng khoán cũng đã đạt mức cao nhất kể từ khi thị trường được thành lập vào năm 2000. Thực tế đó khiến Chủ tịch Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC Wayne Golding Obe đưa ra nhận định: "Việt Nam đang theo đuổi chiến lược phát triển kinh tế rất đúng đắn, hiện là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương".
Đối với các nước khác trong ASEAN, Fitch cho rằng nền kinh tế Philippines sẽ duy trì ổn định ở mức 6,2% trong thập kỷ tới, còn Indonesia ngoài lợi thế dân số trẻ còn là quốc gia được hưởng lợi lớn từ những dự án thuộc sáng kiến kinh tế “Vành đai và Con đường”. Ngoài ra, báo cáo cũng cho thấy Singapore và Brunei, với mức tăng GDP vốn đã cao hơn nhiều so với mặt bằng chung khu vực, nhiều khả năng sẽ tăng trưởng chậm hơn trong những năm tới.
Nhận định của Fitch có nhiều điểm tương đồng với dự báo tăng trưởng kinh tế ở các nước Châu Á mới nổi do Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đưa ra mới đây. Theo OECD, nhóm nước này sẽ tăng trưởng ổn định trong năm nay, trước khi giảm xuống trong trung hạn, một phần lớn do sự tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc. Quốc gia đông dân nhất thế giới sẽ phải đối mặt với khó khăn do kiềm chế dư thừa sản xuất và duy trì ổn định thị trường tài chính. Những yếu tố này sẽ khiến mức tăng trưởng của Trung Quốc chỉ đạt 6,2% trong giai đoạn 2018-2022 (thấp hơn so với mức trung bình 7,9% trong giai đoạn 2011-2015).
Đồng thuận với Fitch, OECD cũng khẳng định các nước thành viên ASEAN sẽ tiếp tục tăng trưởng trong trung hạn. Tuy nhiên, tổ chức này khuyến cáo ASEAN nói riêng và Châu Á nói chung cần thận trọng với các rủi ro tài chính, trong đó nhấn mạnh việc các nền kinh tế phát triển chuẩn hóa chính sách tiền tệ nhanh hơn dự kiến, nợ tư nhân gia tăng, hay chủ nghĩa bảo hộ…
Theo giới phân tích, từ những thành công của Diễn đàn hợp tác kinh tế APEC 2017, cơ hội kinh tế đang mở ra cho các quốc gia trong cộng đồng ASEAN. Tuy nhiên, bản thân mỗi nước sẽ phải nỗ lực hết mình để đưa ra chiến lược phát triển phù hợp với đặc thù dân cư, cơ cấu kinh tế và xã hội, nhằm tận dụng tốt nhất những cơ hội mang lại.