Thành tựu tạo nền móng vững chắc cho tương lai
Đời sống - Ngày đăng : 06:30, 28/11/2017
Xây dựng nông thôn mới, nhiều xã của huyện Hoài Đức đã khoác lên mình “tấm áo mới” khang trang và sạch đẹp hơn. Ảnh: Mai Nguyễn |
Kết quả toàn diện
Trước khi bước vào xây dựng nông thôn mới, huyện Hoài Đức đã tập trung đầu tư các nguồn lực để xây dựng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ đời sống dân sinh. Chính vì vậy, năm 2010, khi rà soát các tiêu chí theo bộ Tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, bình quân mỗi xã của huyện đạt và cơ bản đạt 8,8 tiêu chí/xã.
Quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, hướng dẫn của trung ương và thành phố, huyện Hoài Đức đã ban hành nghị quyết, các chương trình chuyên đề về xây dựng nông thôn mới trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đến năm 2020. Song song với việc chỉ đạo mô hình điểm xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Sở (theo chỉ đạo của thành phố) huyện triển khai đồng loạt tại 18 xã còn lại với phương châm “vừa làm vừa rút kinh nghiệm” để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của huyện. Đến cuối năm 2016, toàn huyện đã có 19/19 xã được UBND thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Trở lại Hoài Đức hôm nay, thành quả xây dựng nông thôn mới dễ nhận thấy nhất với bất cứ ai đó là những ngôi làng trù phú với nhà cửa khang trang; những con đường phong quang, sạch đẹp… Triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật gắn với phát triển đô thị, huyện đã chủ động đề xuất với thành phố có cơ chế, chính sách để địa phương hoàn thành các đường trục lớn đô thị; đồng thời, đầu tư nâng cấp, mở rộng 100% đường trục huyện, liên xã và giao thông nông thôn. Riêng với hệ thống giao thông nông thôn, trong 5 năm qua, huyện Hoài Đức đã bê tông hóa được 1.492 tuyến, dài trên 110km, kinh phí khoảng 124 tỷ đồng (trong đó nhân dân đóng góp trên 63 tỷ đồng).
Huyện đã dành trên 1.200 tỷ đồng đầu tư xây dựng, nâng cấp và chỉnh trang lại hầu hết trường học. Đến nay, cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học được đầu tư theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và từng bước hiện đại hóa, đáp ứng tốt yêu cầu giảng dạy và học tập. 100% thôn, làng được đầu tư xây dựng, chỉnh trang nhà văn hóa, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng dân cư. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã được chú trọng cả về bề rộng và chiều sâu. Tỷ lệ thôn, làng văn hóa đạt 86%, cơ quan, gia đình văn hóa đạt 85,4%.
Môi trường là một trong những tiêu chí khó đối với Hoài Đức bởi huyện có nhiều làng nghề chế biến nông sản, quá trình sản xuất đã gây ô nhiễm môi trường. Để giải quyết vấn đề này, với sự hỗ trợ của Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND TP Hà Nội, Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà đã được xây dựng với công suất 20.000m3/ ngày - đêm. Từ khi đi vào hoạt động, nhà máy đã cơ bản giải quyết nước thải của 3 xã làng nghề chế biến nông sản thực phẩm là Dương Liễu, Cát Quế, Minh Khai. Hiện, trên địa bàn huyện, thành phố đang triển khai xây dựng thêm Nhà máy xử lý nước thải Sơn Đồng và Vân Canh…
Vững bước lộ trình đô thị hóa
Được công nhận Huyện đạt chuẩn nông thôn mới là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Hoài Đức. Đây cũng là tiền đề để huyện triển khai các bước tiếp theo thực hiện Đề án đầu tư xây dựng huyện Hoài Đức trở thành quận vào năm 2020. Theo Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Quang Đức, Hoài Đức có lợi thế liền kề với các quận nội thành. Đây là thị trường rộng lớn cho các sản phẩm nông sản, làng nghề của huyện như: Rau an toàn, nhãn chín muộn, bưởi đường, cam Canh, bún, miến, bánh kẹo… Phát huy lợi thế, Hoài Đức đã và đang chỉ đạo không ngừng phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững; vận động nhân dân tiếp tục chuyển đổi từ sản xuất cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, rau an toàn có giá trị kinh tế cao; đẩy mạnh phát triển làng nghề, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động…
Xây dựng nông thôn mới đã khó, duy trì, giữ vững và phát huy thành quả đã đạt được còn khó hơn. Huyện Hoài Đức xác định sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân, huy động tối đa các nguồn lực, nâng cao chất lượng các tiêu chí nhằm giữ vững danh hiệu huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới; đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án đầu tư xây dựng huyện trở thành quận vào năm 2020, gắn với định hướng xây dựng nông thôn mới trong tiến trình đô thị hóa; tiếp tục lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới các xã theo hướng đô thị hóa, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp và hỗ trợ phát triển các dự án đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tập trung, theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập cho người dân.
Huyện Hoài Đức cũng có kế hoạch tiếp tục tập trung cải tạo môi trường; duy trì, bảo dưỡng các công trình xây dựng, chỉnh trang nhà cửa, đường làng, ngõ xóm, thực hiện vệ sinh khu dân cư sáng, xanh, sạch, đẹp; thực hiện tốt nếp sống văn minh, vận động nhân dân tích cực tham gia bảo hiểm y tế; duy trì và phát triển các thiết chế văn hóa truyền thống. Hoài Đức phấn đấu đến năm 2020, hệ thống giao thông trên địa bàn kết nối tới các xã, khớp nối với hạ tầng các khu đô thị và các quận liền kề; 100% trường học các cấp có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia; hơn 50% xã có nhà văn hóa hoặc hội trường đa năng và sân thể thao phục vụ sinh hoạt văn hóa - thể thao; 100% thôn có nhà văn hóa đạt chuẩn; thu nhập bình quân đạt 55 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 1%.
Trong giai đoạn 2010-2016, huyện Hoài Đức đã huy động được 3.260 tỷ đồng cho chương trình xây dựng nông thôn mới. Năm 2017, thu nhập bình quân trên địa bàn đạt 45,2 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch đạt gần 70% (dự kiến tháng 6-2018, hoàn thành cấp nước sạch tập trung cho 100% xã). |