Tăng chế tài, “siết” trách nhiệm
Bất động sản - Ngày đăng : 07:50, 28/11/2017
Cần có “thuốc” đặc trị vi phạm trật tự xây dựng nhằm góp phần giữ gìn, bảo đảm văn minh đô thị. |
Tăng cường kiểm tra, kỷ luật
Thành ủy Hà Nội đã triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung vào yếu tố con người, trước hết là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Từ lựa chọn “Năm trật tự và văn minh đô thị 2015, 2016” đến việc ban hành Chỉ thị 08-CT/TU, ngày 26-5-2016 của Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác bảo đảm trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn Thủ đô” đều hướng đến mục tiêu tăng cường trách nhiệm, chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật của cán bộ.
Cụ thể hóa tinh thần này, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra, thanh tra công vụ; kiểm tra, giám sát. Nổi bật là từ đầu năm 2017 đến nay, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã kiểm tra 6 Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện với nội dung trọng tâm là công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý trật tự xây dựng. Qua 4/6 cuộc kiểm tra các Ban Thường vụ quận, huyện ủy, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội đã kỷ luật và kiến nghị kỷ luật gần 60 cán bộ liên quan.
Cũng với tinh thần đó, các quận, huyện như: Hai Bà Trưng, Hà Đông, Long Biên, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Đông Anh, Sóc Sơn…, đã chỉ đạo ra quân cưỡng chế, phá dỡ hàng loạt công trình vi phạm trật tự xây dựng. Những biện pháp mạnh nhằm vào yếu tố trách nhiệm cũng đã được vận dụng. Tại Mê Linh, Huyện ủy đã chỉ đạo thực hiện biện pháp tạm đình chỉ chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã, thị trấn nếu vi phạm trật tự xây dựng 3 tháng không được xử lý dứt điểm. Tại Thanh Trì, sau khi giải tỏa các vi phạm, huyện lập biên bản hiện trạng làm căn cứ xử lý trách nhiệm cán bộ lãnh đạo nếu để tái diễn…
Tuy nhiên, tình hình vi phạm trật tự xây dựng tiếp tục diễn biến phức tạp, công tác lãnh đạo, quản lý chưa đáp ứng yêu cầu. Kết luận Hội nghị lần thứ mười một Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đánh giá, một trong những hạn chế cần khắc phục ngay là: “Xử lý vi phạm trật tự xây dựng còn để nhiều vụ việc kéo dài, chưa nghiêm”. Còn theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Trần Việt Trung, qua kiểm tra từ tháng 10-2016 đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện vi phạm tại 1.916 công trình xây dựng. Nhưng, chính quyền địa phương các cấp và sở, ngành mới xử lý được 1.571 công trình, còn 345 trường hợp chưa được xử lý dứt điểm. Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng vừa ban hành công văn “đốc thúc” chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và giám đốc các sở, ngành xử lý dứt điểm hơn 200 vụ vi phạm trật tự xây dựng còn tồn đọng.
"Đặc trị" bằng ý thức trách nhiệm
Việc xử lý cán bộ liên quan đến vi phạm trật tự xây dựng thời gian qua thể hiện sự cương quyết của cấp ủy, chính quyền các cấp. Tuy nhiên, mức kỷ luật dường như chưa đủ sức răn đe. Tại quận Hoàng Mai (một trong 4 địa phương có hàng chục cán bộ bị xử lý kỷ luật nêu trên), số vụ vi phạm trật tự xây dựng vẫn gia tăng. Thống kê mới nhất qua báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Quận ủy Hoàng Mai và Thanh tra Bộ Xây dựng cho thấy, trên địa bàn quận này có hơn 180 vụ vi phạm trật tự xây dựng. Có thể nói, lợi ích đối với một số cá nhân từ... buông lỏng, làm ngơ cho vi phạm trật tự xây dựng rất lớn, nên chế tài phải thật mạnh như, biện pháp cách chức, thay thế cán bộ mới đủ sức răn đe. Các biện pháp kỷ luật ở mức khiển trách, rút kinh nghiệm không đem lại hiệu quả lâu dài.
Phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) và xã Phú Minh (huyện Sóc Sơn) từng là nơi có "tiếng" về những vi phạm trật tự xây dựng, nhưng sau khi cấp ủy quyết định thay thế người đứng đầu, đến nay tình hình chuyển biến rõ nét. Hàng loạt công trình vi phạm cũ tại Trung Văn được giải tỏa, không phát sinh vi phạm mới. Trong khi đó, tại xã Phú Minh, đến nay, 17/35 công trình vi phạm tồn đọng kéo dài đã được giải quyết. Lãnh đạo xã phấn đấu từ nay đến hết năm 2017 sẽ xử lý xong số còn lại.
Thực tế, để ngăn chặn vi phạm trật tự xây dựng, cấp ủy, chính quyền cơ sở có đầy đủ các công cụ phù hợp để phát hiện, xử lý vi phạm từ sớm. Nhưng chính vì thiếu trách nhiệm, chưa nói là còn hiện tượng bao che cho vi phạm, né tránh xử lý của cán bộ là những kẽ hở khiến vi phạm trật tự xây dựng phát sinh. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, có hiện tượng, lực lượng thanh tra xây dựng không kịp thời báo cáo. Khi các cơ quan nắm được phản ánh từ báo chí, dư luận thì các công trình đã vi phạm với quy mô lớn. Trường hợp khác, khi công trình vi phạm bị phát hiện, lập biên bản, chính quyền địa phương đã ban hành quyết định đình chỉ, nhưng lại chưa quyết liệt thực hiện. Một số trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, lực lượng công an phường chưa thực hiện hết thẩm quyền như: Cấm thợ, cấm xe chuyển vật tư, vật liệu vào công trình vi phạm... Những nơi vận dụng biện pháp mạnh như huyện Mê Linh, Thanh Trì chưa nhiều… Đó là những lý do khẳng định, “thuốc" đặc trị vi phạm trật tự xây dựng chính là nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, quản lý, trước hết là cấp cơ sở.
Để sử dụng hiệu quả “thuốc" đặc trị này, trước tiên cấp ủy cấp trên cơ sở phải gương mẫu về ý thức trách nhiệm, nhất là thực hiện tốt biện pháp đã được nêu rõ trong Chỉ thị 08-CT/TU: “Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra công vụ, kịp thời xem xét kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức vi phạm, nhất là các vi phạm liên quan đến trật tự xây dựng, gây bức xúc trong nhân dân, đi đôi với xem xét trách nhiệm và xử lý kỷ luật bí thư, chủ tịch UBND, trưởng công an, thanh tra xây dựng xã, phường, thị trấn”. Song song với đó, cần chú trọng các biện pháp tuyên truyền, giáo dục gắn với đổi mới công tác đánh giá cán bộ, lấy hiệu quả công việc hằng ngày làm thước đo…Đặc biệt là phối hợp kiểm tra, đánh giá trách nhiệm cán bộ chuyên môn ngành chức năng trong tham mưu đề xuất và duy trì trật tự xây dựng trên địa bàn phụ trách.