Triển khai cách tiếp cận mới
Thế giới - Ngày đăng : 06:57, 29/11/2017
Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron. (Ảnh: Getty) |
Khác với những chuyến công du vào tháng 5, 6 và 7 vừa qua, lần này mục tiêu của người đứng đầu nước Pháp là nhằm làm mới mối quan hệ với lục địa nghèo nhất thế giới. Một trong những chủ đề trọng tâm mà ông E.Macron đề cập là các thách thức với tuổi trẻ Châu Phi. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi Tổng thống Pháp chọn Trường Đại học Ouagadougou ở Burkina Faso là nơi thực hiện bài diễn thuyết và đối thoại với hơn 800 sinh viên. Việc lựa chọn quốc gia có tỷ lệ mù chữ cao nhất thế giới để phát đi những thông điệp dành cho giới trẻ là một bước đi nhiều tính toán chiến lược của người đứng đầu nước Pháp. Trước hết, đây là lời khẳng định của chính quyền Paris về việc sẽ duy trì và mở rộng ảnh hưởng tại Lục địa đen sau một thời gian dài bị cho là thờ ơ với châu lục này. Thứ hai, giúp đỡ thế hệ trẻ Châu Phi tạo dựng tương lai thông qua các chương trình hỗ trợ về giáo dục và việc làm, sẽ thúc đẩy những thay đổi về mặt xã hội theo hướng tích cực, bởi đây là yếu tố quan trọng đối với chiến lược xây dựng an ninh của nước Pháp.
Nhà nghiên cứu chính trị Tumba Shango Lokoho tại Trường Đại học Paris - Sorbonne cho rằng, các chiến dịch chống khủng bố sẽ không hiệu quả nếu bỏ qua các yếu tố về kinh tế và xã hội. Điều này được thể hiện khá rõ qua sự gia tăng số lượng các vụ tấn công khủng bố tại Châu Âu kể từ khi làn sóng Mùa xuân Arab tràn qua một loạt nước Trung Đông và Châu Phi, gây ra khủng hoảng về an ninh, xã hội và kinh tế trong suốt 5 năm qua. Những bất ổn chính trị đã thực sự tạo nên bi kịch nhân đạo tại khu vực được coi là “vùng trũng” của thế giới về nhiều mặt. Hậu quả là hàng triệu người, mà đa phần là thanh niên, đổ xô lên các điểm "tập kết" ở Bắc Phi như Lybia hay Algeria để tìm cách vượt Địa Trung Hải sang Châu Âu. Hàng chục nghìn người đã bỏ xác trên biển trong khi hàng trăm nghìn người đang bị buôn bán như nô lệ. Cuộc khủng hoảng nhân đạo này đã vượt qua tầm vóc của một vài quốc gia và trở thành mối quan tâm toàn cầu, trong đó Châu Âu phải gánh vác phần trách nhiệm không nhỏ. Thực tế cũng cho thấy, việc chỉ xây các đường biên giới như một pháo đài để ngăn sự hỗn loạn của tình trạng nhập cư không phải là giải pháp hiệu quả để có thể xử lý tận gốc rễ của vấn đề. Đây cũng là lý do Tổng thống E.Macron có tần suất thăm Châu Phi dày đặc kể từ khi nhậm chức hồi tháng 5.
Không thể phủ nhận những nỗ lực của ông E.Macron tại Châu Phi bước đầu đã có kết quả nhất định. Trong đó, đáng chú ý là việc thúc đẩy các quốc gia Trung và Tây Phi thuộc khu vực sa mạc Sahara thiết lập được lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố và chống tội phạm xuyên quốc gia có tên G5 Sahel (gồm 5 nước Mali, Cộng hòa Chad, Mauritania, Niger và Burkina Faso). Tuy nhiên, để triển khai cách tiếp cận mới, vị Tổng thống trẻ tuổi của nước Pháp sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Hiện tại, Paris đang duy trì được mối quan hệ khá thân thiết với các nhà lãnh đạo tại Lục địa đen. Thế nhưng, hầu hết người đứng đầu các quốc gia Châu Phi lại thuộc thế hệ cũ, có khoảng cách rất lớn và không nhận được nhiều sự ủng hộ từ giới trẻ. Đây sẽ là một bài toán khó mà Tổng thống E.Macron cần tìm lời giải để có thể triển khai thành công hướng đi mới của mình ở Châu Phi.