Đẩy mạnh xúc tiến thương mại nông sản

Kinh tế - Ngày đăng : 07:56, 29/11/2017

(HNM) - Để giúp nông sản Hà Nội đến với người tiêu dùng và giới thiệu nông sản an toàn của các tỉnh, thành phố tới người dân Thủ đô, những năm qua, ngành Nông nghiệp thành phố phối hợp với các sở, ngành, đơn vị... xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch xúc tiến thương mại đạt hiệu quả.



Theo thống kê của Sở NN&PTNT, với khoảng 10 triệu dân đang sinh sống, học tập trên địa bàn Thủ đô, trung bình mỗi tháng, Hà Nội tiêu thụ khoảng 83.400 tấn gạo, riêng tháng Tết (tháng Giêng) khoảng 87.500 tấn (tăng 5-7%); thịt lợn hơi 20.000 tấn, tháng Tết khoảng 24.000 tấn (tăng 18-20%); thịt bò 5.230 tấn, tháng Tết 6.153 tấn; thực phẩm chế biến 5.050 tấn, tháng Tết 5.500 tấn; rau củ 84.100 tấn, tháng Tết 100.000 tấn… Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, ngoài mặt hàng thịt lợn, thịt gà do Hà Nội sản xuất, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tháng Tết, thì nhiều mặt hàng như gạo, thực phẩm chế biến, trứng… phải nhập từ các địa phương.

Để tìm nguồn nông sản, thực phẩm sạch cho người dân Thủ đô, Sở NN&PTNT Hà Nội đã liên kết, hợp tác với 34 tỉnh, thành phố có nguồn cung tốt, bảo đảm. Hà Nội cũng phối hợp chặt chẽ với 21 tỉnh, thành phố trong Ban điều phối Chương trình phát triển chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn cho TP Hà Nội, đưa nông sản thực phẩm an toàn về thành phố thông qua các hội chợ, tổ chức sản xuất, kinh doanh; đồng thời, tham gia hội chợ nông sản thực phẩm an toàn tại các địa phương trong toàn quốc...

Theo ông Nguyễn Bá Bằng, Trưởng phòng Xúc tiến nông nghiệp, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội, 10 tháng qua, trung tâm đã chủ động kết nối được hơn 50 dòng sản phẩm mới từ 5 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Ninh Bình, Nam Định, Đắk Lắk. Qua đó, có thêm nguồn cung, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trên địa bàn Thủ đô trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất; đồng thời, đã có 555 dòng sản phẩm an toàn được tham gia dán tem nhận diện, truy xuất nguồn gốc khi lưu thông tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố...

Từ nay đến cuối năm, Sở NN&PTNT tiếp tục ký kết các chương trình hợp tác phối hợp quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản với các tỉnh có nhiều sản phẩm cung cấp cho Hà Nội nhưng chưa ký kết, nhất là các tỉnh miền Trung, miền Nam. Ngoài ra, theo Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh: Thời gian tới, trung tâm tiếp tục duy trì, mở rộng các hoạt động: Hội chợ, triển lãm, hội nghị giao thương kết nối cung - cầu, chương trình kết nối hàng hóa nông sản với các tỉnh, thành phố... Dự kiến, năm 2018, trung tâm sẽ tổ chức Hội chợ nông sản an toàn và sản phẩm làng nghề Việt 2018 tại Hà Nội; tham gia các Hội chợ Triển lãm nông nghiệp quốc tế - AgroViet tại TP Hồ Chí Minh, Hội chợ nông nghiệp và thương mại vùng Đồng bằng sông Hồng tại Thái Bình, Hội chợ nông nghiệp khu vực miền núi phía Bắc... Qua các hoạt động này, thị trường tiêu thụ nông sản Thủ đô sẽ được mở rộng và giới thiệu thêm nguồn nông sản an toàn tới đông đảo người tiêu dùng.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Bên cạnh việc đẩy mạnh liên kết với các tỉnh trong tiêu thụ sản phẩm, ngành Nông nghiệp sẽ chú trọng công tác tuyên truyền, trao đổi thông tin, kinh nghiệm quản lý chất lượng - an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản; đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm chất lượng cao...

Đào Huyền