Vấn đề cấp bách

Giáo dục - Ngày đăng : 06:29, 30/11/2017

(HNM) - Trước sự gia tăng dân số cơ học mạnh mẽ, nhu cầu về chỗ học cho học sinh ở Thủ đô ngày càng cao, dẫn đến tình trạng quá tải cục bộ ở một số địa bàn. Giải bài toán quá tải trường học vì thế ngày càng trở nên cấp bách.

Phân tuyến tuyển sinh, cải tạo, mở rộng trường học là những biện pháp đã được thực hiện để giải bài toán quá tải trường học.Ảnh: Nhật Nam


Thêm trường vẫn chưa đủ

Nhằm xác định cụ thể nhu cầu về chỗ học, có căn cứ để bố trí quỹ đất dành cho trường học, trong tháng 5 và tháng 6-2017, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã khảo sát, làm việc với 30 quận, huyện, thị xã về hiện trạng mạng lưới trường học và kết quả triển khai thực hiện “Quy hoạch mạng lưới trường học TP Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” theo Quyết định số 3075/QĐ-UBND do UBND TP Hà Nội phê duyệt năm 2012.

Kết quả khảo sát cho thấy, trong 5 năm qua, mặc dù số trường học được bổ sung khá nhiều song vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu về chỗ học. Tổng số trường học các cấp của Hà Nội hiện là 2.669 trường, gần 53 nghìn nhóm lớp; tăng 250 trường học và gần 10.400 nhóm lớp so với năm 2012 - thời điểm ban hành quy hoạch.

So với quy hoạch, tổng số trường mầm non và phổ thông còn thiếu là 314 trường, trong đó, cấp mầm non thiếu nhiều nhất. Tại một số địa bàn, số trường mầm non được xây mới nhiều hơn so với quy hoạch, song vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Đơn cử, tại khu vực 2 (gồm các quận Tây Hồ, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Long Biên, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông), hiện có 237 trường mầm non, tăng 137 trường so với năm 2011, vượt 2 trường so với quy hoạch. Tại khu vực 4a (gồm các huyện Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm), tổng số trường mầm non là 145, tăng 41 trường so với năm 2011, vượt 1 trường so với quy hoạch.

Theo ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, kết quả khảo sát cho thấy, nếu tính về số lượng, Hà Nội không thiếu trường học. Việc quá tải chỉ diễn ra tại một số địa bàn tập trung đông dân cư. Điều này phần nào lý giải nguyên nhân dẫn đến có lớp có tới 70 bé. Để giải quyết tình trạng này, những năm gần đây, ngoài việc phân tuyến tuyển sinh hợp lý, ngành Giáo dục Hà Nội và UBND các quận, huyện, thị xã đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp chất lượng trường, lớp để bảo đảm chỗ học cho mọi học sinh.

Ưu tiên bổ sung trường học ở khu vực đông dân cư

Nhằm hỗ trợ các địa phương còn nhiều khó khăn, cuối năm 2016, UBND thành phố ra quyết định đầu tư xây dựng 42 dự án trường học. Đến nay, đã có 26 dự án trường học tại 13 huyện khó khăn được đưa vào sử dụng với tổng kinh phí đầu tư gần 600 tỷ đồng. Ngành Giáo dục Hà Nội đang phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung giám sát chất lượng, đẩy nhanh tiến độ các dự án còn lại để có thể bàn giao, đưa vào sử dụng vào khoảng giữa năm học 2017-2018 và đầu năm học 2018-2019. Theo chỉ đạo của UBND thành phố, việc xây dựng trường lớp tại Hà Nội sẽ được thực hiện với nguyên tắc ưu tiên cho những nơi đang thiếu trường học; tiếp theo là những nơi đang phải học tạm, học nhờ...

Bà Trần Lưu Hoa, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hai Bà Trưng cho biết, việc xây dựng, cải tạo, mở rộng trường và tăng cường cơ sở vật chất là một trong 5 giải pháp trọng tâm của ngành trong năm học 2017-2018. Ngành Giáo dục quận Hai Bà Trưng xác định tập trung nguồn lực để ưu tiên phát triển giáo dục mầm non.

Ngoài ra, ngành sẽ tiếp tục tham mưu với các cấp lãnh đạo về việc cải tạo, nâng tầng một số trường ở những nơi có khó khăn về quỹ đất và quy mô học sinh tăng nhanh; xây dựng mới một số trường như THCS Lê Ngọc Hân, Tiểu học Trung Hiền, Tiểu học Ngô Thì Nhậm. Còn tại quận Thanh Xuân, theo ông Phạm Gia Hữu, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, năm nay là năm thứ hai quận thực hiện Đề án “Phát triển giáo dục và đào tạo quận Thanh Xuân giai đoạn 2016-2020”, trong đó có việc đầu tư mở rộng quy mô trường, lớp, trang bị cơ sở vật chất các trường học theo hướng đồng bộ, hiện đại và đạt chuẩn quốc gia. Năm học 2016-2017, tổng kinh phí dành cho phần việc này của quận là 670 tỷ đồng, góp phần giảm 3 học sinh/lớp ở các cấp học.

Nhằm giải quyết tình trạng thiếu trường, lớp, mới đây, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt đề cương nhiệm vụ, dự toán điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, Hà Nội sẽ ưu tiên xây dựng bổ sung trường học ở khu vực đông dân cư, thiếu trường học và nơi có thay đổi về địa giới hành chính, cụ thể là tại quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm.

Ông Chử Xuân Dũng cho biết thêm, sắp tới, ngành Giáo dục Hà Nội sẽ đề xuất tạo cơ chế buộc các doanh nghiệp khi đầu tư xây dựng khu đô thị, chung cư phải có trách nhiệm xây dựng trường học. Nếu không đủ diện tích để xây dựng trường học, các đơn vị, doanh nghiệp phải có nghĩa vụ đóng góp để các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư xây dựng trường học. Việc triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp chắc chắn sẽ giúp giải quyết tình trạng quá tải, tạo điều kiện để các nhà trường nâng cao chất lượng giáo dục.

Thống Nhất