Xây dựng đường gom, hàng rào cách ly với đường sắt: Cần thiết và cấp bách

Đời sống - Ngày đăng : 06:13, 30/11/2017

(HNM) - Tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua địa bàn huyện Thanh Trì có rất nhiều lối đi dân sinh tự phát, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Trong khi đó, Dự án xây dựng đường gom, hàng rào cách ly với đường sắt đã tạm dừng hơn 3 năm do chưa bố trí được vốn.


Nguy hiểm rình rập

Trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, từ lối rẽ vào Bệnh viện K - cơ sở 2 (Ngọc Hồi), đến đường Phan Trọng Tuệ (thị trấn Văn Điển), cứ một quãng lại có một tấm biển "Chú ý tàu hỏa". Anh Phan Văn Minh (quê huyện Vụ Bản, Nam Định) làm nghề xe ôm trước cổng Trung tâm thương mại Văn Điển cho biết, biển báo nhiều là vậy nhưng nguy cơ tai nạn đường sắt vẫn luôn rình rập. "Làm nghề xe ôm, suốt ngày bám trụ tại đây, tôi đã chứng kiến 3-4 vụ tai nạn đường sắt thương tâm tại khu vực thị trấn Văn Điển thời gian gần đây" - anh Minh cho biết.

Hàng rào cách ly an toàn với đường sắt đoạn qua Khu công nghiệp Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì).


Theo Phó Chủ tịch UBND thị trấn Văn Điển Nguyễn Văn Thành, tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua địa bàn thị trấn dài 1,2km, nhưng chưa có đường gom, hàng rào cách ly nên việc bảo đảm an toàn giao thông đường sắt rất khó khăn. Theo ông Thành, hầu hết các hộ dân ở mặt đường Ngọc Hồi tiếp giáp với đường sắt đều kinh doanh. Các điểm qua đường sắt do dân tự mở rất nguy hiểm. Từ năm 2015, lãnh đạo thị trấn đã đề xuất với UBND huyện Thanh Trì cho làm tuyến đường gom, hàng rào cách ly với đường sắt nhằm bảo đảm an toàn cho nhân dân, nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai.

Trước đó, ngành Đường sắt có Dự án "Xây dựng các hạng mục công trình giai đoạn 2, kế hoạch 1856 theo lệnh khẩn cấp", làm đường gom, hàng rào cách ly, nhưng đã tạm dừng thi công từ năm 2014. Để hạn chế nguy cơ mất an toàn, trong tháng 6 và 7-2017, chính quyền thị trấn phối hợp với các đơn vị chức năng làm các bục bệ hạn chế ô tô đi qua đường ngang dân sinh và lắp biển báo "Chú ý tàu hỏa" để người dân biết và phòng tránh.

Cần đẩy nhanh tiến độ dự án

Theo tìm hiểu của phóng viên, trên địa bàn huyện Thanh Trì có 2 đoạn đường gom, hàng rào cách ly đường sắt Bắc - Nam (Km7 250 - Km8 141; Km8 198 - Km8 617) thuộc Dự án "Xây dựng các hạng mục công trình giai đoạn 2, kế hoạch 1856 theo lệnh khẩn cấp", đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam triển khai từ tháng 7-2012. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã phê duyệt đầu tư hai đoạn đường gom trên, với kinh phí hơn 11,3 tỷ đồng và đã lắp đặt được 11/123 đơn nguyên hàng rào đoạn từ Km7 250 đến Km8 141 nhưng sau đó tạm dừng do chưa được bố trí vốn.

Ông Nguyễn Tiến Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì cho biết, tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua địa bàn huyện dài khoảng 7km. Việc làm đường gom, hàng rào cách ly với đường sắt, trước mắt ở khu vực thị trấn Văn Điển, là cần thiết và cấp bách vì mật độ dân cư ngày càng đông. Trên cơ sở đề nghị của UBND thị trấn Văn Điển, ngày 26-7-2017, UBND huyện đã giao cho Phòng Quản lý đô thị chủ trì phối hợp với Công ty CP Đường sắt Hà Hải kiểm tra hiện trạng. UBND huyện Thanh Trì đã có công văn gửi Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề nghị đầu tư kinh phí đầu tư tiếp cho phần còn lại của Dự án "Xây dựng các hạng mục công trình giai đoạn 2, kế hoạch 1856 theo lệnh khẩn cấp" đoạn đi qua thị trấn Văn Điển.

Tuy nhiên, ngày 24-8-2017, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có văn bản trả lời: "Trong trường hợp địa phương bố trí được vốn triển khai ngay như đề nghị, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề nghị huyện Thanh Trì báo cáo Bộ Giao thông - Vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tách hạng mục đường gom, rào cách ly từ dự án này. Sau khi được cấp thẩm quyền chấp thuận, Tổng công ty sẽ bàn giao toàn bộ hồ sơ thiết kế, dự toán và tài liệu liên quan đã nghiên cứu trước đây để huyện triển khai". Theo ông Cường, việc này vượt thẩm quyền nên UBND huyện sẽ phải báo cáo với thành phố...

Như vậy để làm tiếp tuyến đường gom và hàng rào cách ly với đường sắt qua địa bàn huyện Thanh Trì chưa thể triển khai ngay và còn mất nhiều thời gian và thủ tục hành chính. Điều đó đồng nghĩa với việc những mối nguy hiểm đối với người dân khi đi qua tuyến đường sắt này vẫn hiện hữu. Vì vậy, dư luận rất mong các cơ quan hữu quan cùng vào cuộc, sớm đẩy nhanh tiến độ dự án vốn đã bị ngưng trệ hơn 3 năm nay.

Bài, ảnh: Thanh Hải