Đông Bắc Á lại dậy sóng
Thế giới - Ngày đăng : 06:35, 01/12/2017
Hình ảnh vụ thử tên lửa Hwasong - 15 do Triều Tiên công bố. |
Thông báo trên kênh truyền hình nhà nước, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố, nước này đã phóng thử thành công ICBM thế hệ mới có tên gọi Hwasong-15. Tên lửa này bay xa 950km trong 53 phút và đạt đến độ cao 4.475km.
Trước đó, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) xác nhận, Triều Tiên đã phóng một vật thể ra biển, chấm dứt giai đoạn yên lặng kể từ tháng 9-2017. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, tên lửa của Bình Nhưỡng đã bay khoảng 1.000km trước khi rơi xuống Vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Đây cũng được cho là vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa thứ ba của Triều Tiên kể từ tháng 7-2017.
Chưa đầy 6 năm sau khi lên nắm quyền, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã thực hiện nhiều cuộc thử nghiệm tên lửa hơn cả hai nhà lãnh đạo tiền nhiệm cộng lại. Hwasong-15 cũng là tên lửa có tầm bắn xa nhất từ trước đến nay của Bình Nhưỡng, bay xa và lâu hơn so với hai vụ phóng ICBM ngày 4-7-2017 và 28-8-2017. Ba lần thử ICBM được tuyên bố là thành công liên tiếp và hàng loạt vụ thử tên lửa tầm ngắn, tầm trung khác là biểu hiện rõ ràng nhất về những bước tiến đáng kể của Triều Tiên trong việc phát triển chương trình vũ khí và hạt nhân.
Nhiều chuyên gia cho rằng, Triều Tiên vẫn chưa chứng minh họ đã vượt qua được mọi rào cản kỹ thuật, bao gồm khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân gắn vào ICBM. Tuy nhiên, cả Mỹ và Hàn Quốc đều không loại trừ khả năng Bình Nhưỡng sẽ làm chủ công nghệ này vào năm 2018, sớm hơn nhiều so với dự báo trước đây của các chuyên gia.
Vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên đã làm dấy lên lo ngại từ các nước trong khu vực và quốc tế. Ngay sau vụ việc, quân đội Hàn Quốc đã tiến hành một cuộc tập trận “tấn công chính xác” nhằm đáp trả Bình Nhưỡng. Chiều 29-11, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã họp khẩn để thảo luận về động thái mới của Bình Nhưỡng sau các lệnh trừng phạt gần đây, song không đưa ra tuyên bố chung.
Cũng tại cuộc họp này, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley tuyên bố, Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng mọi biện pháp đối phó với Triều Tiên, kể cả can thiệp bằng quân sự, đồng thời kêu gọi tăng cường trừng phạt nước này thông qua việc tước quyền bỏ phiếu tại Liên hợp quốc và cô lập về ngoại giao, thương mại.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Hàn Quốc và Trung Quốc về hành động được đánh giá là làm leo thang căng thẳng tại khu vực của Triều Tiên để thúc giục các nước tăng cường sức ép và tầm ảnh hưởng, buộc Bình Nhưỡng thực hiện phi hạt nhân hóa.
Vụ thử nghiệm diễn ra chỉ ít ngày sau khi Tổng thống Mỹ D.Trump tái xác định Triều Tiên là quốc gia bảo trợ khủng bố với mục tiêu truyền đi thông điệp buộc Bình Nhưỡng từ bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa. Quyết định của ông chủ Nhà Trắng khiến dư luận khá bất ngờ bởi cho tới trước vụ thử nghiệm tên lửa Hwasong-15, Triều Tiên đã thể hiện những sự kiềm chế nhất định.
Giới phân tích nhận định, chính quyền Bình Nhưỡng không có mục tiêu nào khác ngoài mong muốn nhận được sự công nhận quốc tế rằng Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân để bảo đảm an ninh và tính hợp pháp chính trị. Thực tế cho thấy các biện pháp trừng phạt cứng rắn không làm chậm lại các chương trình phát triển tên lửa và nguyên tử của nước này. Bởi vậy, triển vọng ổn định trên bán đảo Triều Tiên tại thời điểm hiện tại chắc chắn vẫn là một mục tiêu khó đạt được.