Mạnh dạn hòa mình vào đời sống mỹ thuật
Văn hóa - Ngày đăng : 06:55, 01/12/2017
Phản ánh đời sống mỹ thuật trẻ
Festival Mỹ thuật trẻ 2017 được xem như là cuộc tổng động viên lực lượng sáng tác trẻ từ 18 đến 35 tuổi của nước nhà, để các nhà quản lý, đặc biệt là cơ quan tổ chức - Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH-TT& DL), nhìn nhận về đối tượng này, khuyến khích họ sáng tạo và chuẩn bị cho tương lai của nghệ thuật Việt Nam.
Triển lãm tác phẩm tại Festival Mỹ thuật trẻ 2017. |
Ở lần tổ chức thứ 4, đánh dấu 10 năm ra đời hoạt động thiết thực này, có 379 tác phẩm của 185 tác giả từ 14 tỉnh, thành phố trên cả nước gửi đến tham dự. Đa số các tác phẩm đều ở những thể loại truyền thống: 274 tác phẩm hội họa, 59 tác phẩm đồ họa, 38 tác phẩm điêu khắc. Số lượng các tác phẩm theo hình thức thể hiện đương đại khá khiêm tốn, chỉ có 5 tác phẩm sắp đặt, 1 tác phẩm video art và 2 tác phẩm trình diễn, body art. Những con số thống kê sơ bộ này phần nào cho thấy diện mạo của lực lượng sáng tác mỹ thuật trẻ hiện nay ở nước ta.
Đi sâu vào nội dung và phương thức biểu hiện của từng nghệ sĩ trong tác phẩm, đặc biệt là 95 tác phẩm của 80 tác giả được tuyển chọn để trưng bày, họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm nhận định: “Có những dấu hiệu tài năng đã hé mở, khả năng chuyển tải ý tưởng bằng ngôn ngữ sáng tạo nghệ thuật nhuần nhị, trẻ trung”.
Có khá nhiều tác giả chọn đề tài về ảnh hưởng của công nghệ với đời sống nhưng để thể hiện nỗi niềm trăn trở ấy vào tác phẩm thành công thì không nhiều. Một số tác phẩm chọn cách thể hiện trực tiếp vấn đề trên mà vẫn cho thấy tìm tòi sáng tạo như “Khoảng cách” (Lê Thị Quế Châu), “Ở đâu cũng thế - Mọi lúc mọi nơi II” (Nguyễn Khắc Chinh), “Thế giới riêng” (Hà Phước Duy)... Đặc biệt nhất phải kể đến tác phẩm điêu khắc "Đơn hàng" của Đào Đình Tân, khi anh chọn cách thể hiện gián tiếp để người xem thấy kết quả của cuộc sống quá phụ thuộc vào "thế giới phẳng".
Là thành viên Hội đồng nghệ thuật của festival, nghệ sĩ Ly Hoàng Ly nhận xét: “Có tác phẩm đồ họa mà nghệ sĩ đem cả không gian ba chiều vào tác phẩm, biến nó thành một tác phẩm sắp đặt. Đây là minh chứng cho thấy nghệ sĩ hôm nay luôn tự chất vấn, không ngừng khai phá, sáng tạo trên phương tiện mình yêu thích và gắn bó. Thế nên, nhiều tác phẩm thể hiện bằng chất liệu sơn mài, sơn dầu, khắc gỗ, màu nước… nhưng xem vẫn thấy đương đại, tươi rói, thú vị”.
Nhìn chung, người trẻ bao giờ cũng nhanh nhận ra những vấn đề của thế hệ mình, các nghệ sĩ trẻ thường sở hữu cái “ngông thị giác” càng nhạy cảm hơn, dễ tạo ra sự đột phá trong ý tưởng và hành động. Ở festival lần này, công chúng thấy rõ những vấn đề mà giới trẻ quan tâm như môi trường, việc làm, đời sống tinh thần, công nghệ thông tin… đã được thể hiện mạch lạc qua nhiều hình thức biểu hiện.
Một số gương mặt được đặt kỳ vọng từ festival lần này có Đoàn Thị Ngọc Anh (1991), Nguyễn Duy Mạnh (1984), Nguyễn Thanh (1982), Đào Đình Tân (1994), Lê Thị Quế Châu (1985), Nguyễn Khắc Chinh (1984), Hà Phước Duy (1984), Nguyễn Xuân Lục (1983), Vũ Bình Minh (1985), Võ Thành Thân (1987)… Đó là những nghệ sĩ giàu nội lực, một số đã được vinh danh trong nhiều kỳ cuộc so tài mỹ thuật. Họ cho thấy sự chịu khó khám phá, đem hơi thở cuộc sống vào tác phẩm.
Còn vùi mình vào vỏ bọc an toàn
Thành công của một festival nghệ thuật phụ thuộc hoàn toàn vào chất lượng các tác phẩm tham gia. Tuy nhiên, Festival Mỹ thuật trẻ năm nay không có giải Nhất, chỉ có 4 giải Nhì, 6 giải Ba và 8 giải Khuyến khích. Điều này phản ảnh đúng thực trạng mà nhà báo Việt Văn (Báo Lao động) chia sẻ: “Tôi chưa tìm thấy tác phẩm khiến người xem xôn xao, tác phẩm ấy phải không phụ thuộc vào chất liệu, không bị ràng buộc bởi bố cục, ánh sáng, chứa đựng dấu vết của quá khứ nhưng vẫn đương đại, hòa nhịp với đời sống”.
Qua chấm chọn tại festival, họa sĩ Vũ Bạch Liên thẳng thắn nhận định: “Nghệ sĩ trẻ nhưng tư duy hơi già. Các bạn còn vùi mình vào vỏ bọc an toàn... Nghệ sĩ hôm nay không những được đào tạo bài bản mà còn có nhiều cơ hội tiếp cận với những khuynh hướng nghệ thuật và kỹ năng sáng tạo mới, được tự do chia sẻ quan điểm của mình thông qua “thế giới số”. Vậy tại sao các bạn trẻ không tìm tòi, thể nghiệm nhiều hơn các chất liệu mới, không đào sâu tính cá nhân vào trong tác phẩm và phản biện mạnh mẽ hơn trong các vấn đề xã hội?”.
Cũng cùng băn khoăn ấy, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam bày tỏ: “Ở festival này chỉ thấy sự chỉn chu, cẩn trọng, kỹ thuật cao hơn, hiếm yếu tố xuất sắc, đột phá”.
Có thể nhận thấy rõ festival lần này thiếu vắng những hình thức hiển hiện của nghệ thuật đương đại, đôi khi có tác dụng khuấy động không gian, thu hút người trẻ như video art, body art, trình diễn... Thêm nữa, cuộc tụ hội của nghệ thuật trẻ nhưng chỉ có hoạt động triển lãm, trao giải, không có các cuộc tọa đàm, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm đi cùng, nên có cảm giác không khác là bao so với các triển lãm nghệ thuật được tổ chức gần đây.
Tuy nhiên, trong “thế giới phẳng”, không thiếu cách để giới nghệ sĩ tiếp cận, trao đổi với nhau. Mong rằng, từ festival này, lớp người đi trước, những nhà quản lý, những người quan tâm đến sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam có dịp nhìn nhận rõ hơn về đội ngũ kế cận, hiểu được họ đang nghĩ gì, làm gì và cổ vũ họ mạnh dạn phản ánh đời sống, thể hiện tài năng, khát vọng.