Còn sơ hở, thiếu sót về thể chế

Kinh tế - Ngày đăng : 07:13, 01/12/2017

(HNM) - Cuối năm, khi nhu cầu mua sắm tăng cao cũng là thời điểm hàng giả, hàng nhái xuất hiện nhiều hơn, dù các cơ quan chức năng rất quyết liệt song tình hình vẫn diễn biến phức tạp. Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đánh giá, còn gian lận thương mại, làm hàng giả, hàng nhái là do có sơ hở,


Báo cáo của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả TP Hồ Chí Minh cho biết, trong 9 tháng, đơn vị này đã kiểm tra, xử lý gần 22.000 vụ vi phạm, là hàng cấm nhập lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tổng thu nộp ngân sách gần 3.200 tỷ đồng, trong đó xử phạt hành chính hơn 1.065 tỷ đồng, truy thu thuế hơn 2.100 tỷ đồng, bán hàng tịch thu hơn 20 tỷ đồng. Các cơ quan chức năng đã khởi tố 29 vụ với 32 người. Thời điểm nào trong năm cũng phát hiện vi phạm, tuy nhiên Tết là dịp hàng lậu, hàng giả nổi lên nhiều nhất, số lượng và giá trị hàng hóa vi phạm lớn nhất.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Công ty Nhựa Bình Minh cho biết, công ty này dù đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa độc quyền từ những năm 90 và liên tục bổ sung bảo hộ những nhãn hiệu mới, gia hạn những nhãn hiệu đã có đăng ký bảo hộ nhưng hàng vẫn bị làm nhái, làm giả. Cơ quan chức năng cũng đã truy bắt và xử lý những vụ làm hàng giả quy mô lớn trị giá hàng tỷ đồng ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, tuy nhiên, cách xử lý chưa triệt để. Cụ thể, trong 2 năm 2015-2016 cơ quan chức năng đã bắt quả tang 2 vụ làm giả ống PVC-U của Nhựa Bình Minh. Trong đó vụ án năm 2015 có giá trị hàng hóa giả lên đến 2,7 tỷ đồng, đến nay đã bị tạm đình chỉ, không được gia hạn điều tra. Vụ xảy ra năm 2016 thì đã đưa ra xét xử nhưng Công ty Nhựa Bình Minh không được mời đến dự với tư cách là người bị hại hoặc các bên có nghĩa vụ liên quan. Công ty kháng cáo thì tòa án mới triệu tập xét xử lại.

Ông Nguyễn Thanh Hải kiến nghị, Chính phủ cần xem lại các quy định về xử phạt, hiện mức phạt quá nhẹ không đủ sức răn đe, và là kẽ hở để kẻ gian thực hiện hành vi làm giả, làm nhái. Đây cũng là kiến nghị của nhiều doanh nghiệp.

Tại lễ kỷ niệm 10 năm Ngày Phòng chống hàng giả, hàng nhái (29/11/2007 - 29/11/2017) do Bộ Công Thương, Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (Vatap) vừa tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp ngăn chặn tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, thẳng thắn thì những kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với mong muốn của Chính phủ và kỳ vọng của người dân. Tình trạng hàng giả, hàng nhái, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng diễn biến phức tạp. Phó Thủ tướng cũng đánh giá, còn những đối tượng liên quan đến gian lận thương mại, làm hàng giả hàng nhái là do sơ hở, thiếu sót về thể chế, lãnh đạo chưa phát huy hết sức mạnh toàn hệ thống và xã hội.

Do đó, để ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, các cấp ủy đảng, chính quyền, lực lượng thực thi, nhất là người đứng đầu phải quán triệt, thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về công tác chống hàng giả, hàng nhái. Các doanh nghiệp cần tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng trong công tác giám sát thị trường, quản lý tốt hệ thống phân phối, thu thập, cung cấp thông tin và hỗ trợ các cơ quan thực thi trong phát hiện và xử lý vi phạm.

Thùy Linh