Nỗ lực hoàn thành mục tiêu tăng trưởng

Kinh tế - Ngày đăng : 07:21, 01/12/2017

(HNM) - Chỉ còn một tháng nữa sẽ kết thúc năm 2017 và có kết quả chính thức về phát triển kinh tế của cả năm. Tuy vậy, với việc nỗ lực để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng, ở thời điểm này đã có thể dự báo về một năm thành công của nền kinh tế.

11 tháng qua, cả nước có thêm hơn 140 nghìn doanh nghiệp mới đăng ký thành lập. Ảnh: Thái Hiền


Chuyển biến rõ rệt

Năm 2017 là năm vượt khó của nền kinh tế. Nổi bật là diễn biến tốc độ tăng trưởng GDP tăng liên tục qua từng quý, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ và niềm tin cho cả cộng đồng, nhất là với giới doanh nghiệp. Cụ thể, GDP cả nước quý I tăng 5,15%, quý II tăng 6,28% và quý III tăng 7,4% so với cùng kỳ tương ứng của năm trước, từ đó kích đẩy GDP chung 9 tháng tăng 6,41% so với cùng kỳ.

Xét về đội ngũ doanh nghiệp cũng cho thấy một bức tranh khá sáng màu. 11 tháng qua, cả nước đón nhận thêm hơn 140 nghìn doanh nghiệp mới đăng ký thành lập và quay lại hoạt động, với tổng vốn đăng ký hơn 2,7 nghìn tỷ đồng. Đây là một kết quả rất đáng ghi nhận, thể hiện rõ sức lan tỏa của phong trào khởi nghiệp. Hơn thế, trên 90% số doanh nghiệp mới thành lập đã có doanh thu và nộp thuế, hứa hẹn sự bổ sung to lớn vào nền kinh tế.

Xét từ hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ cho thấy, công tác hỗ trợ doanh nghiệp, dồn sức cho tăng trưởng luôn là mục tiêu xuyên suốt ở cấp vĩ mô, đến các bộ, ngành và chính quyền địa phương. Có thể nói cả bộ máy công quyền đồng loạt vào cuộc, với ý thức trách nhiệm tối đa để "đoàn tàu" kinh tế tiến nhanh qua từng tháng. Thông điệp Chính phủ kiến tạo, phục vụ doanh nghiệp và xác định rõ trách nhiệm của từng lãnh đạo, từng cơ quan quản lý được nhắc lại nhiều lần, với yêu cầu cụ thể, rõ ràng nhằm tạo lập và giữ vững niềm tin cho xã hội, cho doanh nghiệp trong công cuộc phát triển kinh tế. Từ đó, hầu hết các bộ, ngành đã xây dựng kế hoạch, phương án rà soát, cắt giảm những quy định bất hợp lý vốn là tác nhân gây cản trở sự ra đời, phát triển của doanh nghiệp.

Bộ Công Thương đã rà soát, đánh giá và cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, tạo “cú hích” và “ghi điểm” trong công tác cải cách hành chính nói chung. Thực tế, việc này có tác động lan tỏa, khích lệ các cơ quan chức năng khác gia tăng tốc độ, tạo ra cuộc thi đua giữa các cơ quan quản lý. Rõ ràng, cần xét đến giá trị, ý nghĩa rộng lớn của hành động nói trên bởi cộng đồng doanh nghiệp luôn liên quan chặt chẽ với hoạt động điều hành, quản lý của Bộ Công Thương.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) nhận định, công việc trên là tín hiệu tích cực, cho thấy sự chuyển động mạnh mẽ của Bộ Công Thương. Tương tự, các bộ, ngành khác cũng chủ động rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh, giảm thời gian để doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thuế, hải quan... góp phần hiện thực hóa chủ trương của Chính phủ.

Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đã phản hồi tích cực, đồng chiều với những nỗ lực của cơ quan quản lý. Trong đó, chỉ số sản xuất toàn ngành Công nghiệp hiện tính đến ngày 15-11 tăng khoảng 10%, kim ngạch xuất khẩu tăng 21,3% so với cùng kỳ.

Tập trung cho tăng trưởng

Theo nhận định của Chính phủ, tốc độ tăng trưởng GDP năm nay có thể đạt 6,7%, với cả 13/13 chỉ tiêu chủ yếu đều đạt hoặc vượt mức đề ra. Đây sẽ là thành công lớn của nền kinh tế trong bối cảnh phải đối diện không ít khó khăn, nhất là hậu quả thiên tai, lũ chồng lũ kéo dài vừa qua.

Thời gian qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thường xuyên chủ trì cuộc họp thường kỳ Chính phủ hằng tháng để nắm bắt tình hình, thông tin, diễn biến của nền kinh tế, tập trung vào các nội dung quan trọng như xuất khẩu, sản xuất công nghiệp, tín dụng, đầu tư trong và ngoài nước... để chỉ đạo kịp thời. Có thể nói, sự đôn đốc của Thủ tướng và Chính phủ là liên tục, tạo “sức nóng” và lan tỏa ý chí cũng như thúc đẩy hành động của cả hệ thống cơ quan chức năng.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tất cả bộ, ngành, địa phương đều đang vào cuộc, nhằm thúc đẩy tăng trưởng như đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch; tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công và vốn ODA, trong đó tập trung vào các dự án lớn, dở dang để sớm đưa vào hoạt động; tiếp tục thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng 22%... Các bộ, địa phương tiếp tục rà soát, tập trung giảm thiểu và xóa bỏ những chi phí bất hợp lý, kiểm tra chuyên ngành đối với doanh nghiệp; đặc biệt không chủ quan với những kết quả đạt được, để cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị hoạt động hiệu quả.

Thời gian không còn nhiều, nhưng vẫn có "dư địa" để Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp tập trung hành động, khai thác tối đa tiềm năng nhằm hướng tới mục tiêu hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng. Trong đó, nhiều đơn vị đang bứt phá, hoàn tất các đơn hàng để gia tăng xuất khẩu bên cạnh công tác giải ngân, các bộ tăng cường cải cách, thúc đẩy sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; thu hút và giải ngân vốn đầu tư nước ngoài; thu ngân sách; hấp dẫn khách du lịch...

Hồng Sơn