Nâng cao chất lượng thi hành án

Đời sống - Ngày đăng : 07:30, 02/12/2017

(HNM) - Năm 2017, cơ quan thi hành án dân sự đạt được kết quả nổi bật, thi hành xong số việc, số tiền cao hơn so với năm 2016. Nhằm tránh tâm lý đầu năm “đủng đỉnh”, cuối năm “gấp gáp”, trong khi chờ Bộ Tư pháp giao chỉ tiêu năm 2018,

Chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự (Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp) TP Tuyên Quang trao đổi nghiệp vụ.



Tăng cường kiểm tra đột xuất

Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) Hoàng Sỹ Thành cho biết: Trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội đất nước còn nhiều khó khăn, số việc và tiền thụ lý tăng (5,57% về việc và 19,67% về tiền), cao nhất từ trước đến nay về tiền (gần 173 nghìn tỷ đồng), song các cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành xong số việc, số tiền cao hơn so với năm 2016 (tăng gần 19 nghìn việc và hơn 6 nghìn tỷ đồng). Việc thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế - tham nhũng, các khoản nợ của tổ chức tín dụng có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, toàn hệ thống chỉ đạt 2/4 chỉ tiêu cơ bản là về việc và về tiền. Số việc, số tiền có điều kiện thi hành chuyển kỳ sau còn nhiều, nhất là về tiền (gần 57.000 tỷ đồng, chiếm 34,68% tổng số phải thi hành). Đáng lưu ý hơn, số vụ việc thi hành án hành chính xong đạt tỷ lệ thấp, còn 85 việc chưa thi hành được. Mặc dù được tập huấn nghiệp vụ thường xuyên, nhưng hiện tượng áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự chưa chính xác, đầy đủ vẫn diễn ra, dẫn đến phát sinh khiếu nại. Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới, ngay tại quận Hoàng Mai, Hà Nội, hiện tượng án có hiệu lực nhiều năm nhưng chưa được thi hành vẫn diễn ra do chấp hành viên thiếu cương quyết, chính quyền sở tại chậm vào cuộc.

Năm 2018, Tổng cục Thi hành án dân sự xác định, công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính tiếp tục gắn liền với quan điểm của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 về xây dựng Chính phủ “kiến tạo, phát triển, liêm chính và phục vụ”. Theo đó, toàn ngành sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thi hành án nhằm giảm tối đa thủ tục hành chính gây phiền hà cho dân, đẩy mạnh phân loại án, rút ngắn thời gian thi hành án theo yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; thực hiện hiệu quả cơ chế “một cửa” và dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, Tổng cục Thi hành án dân sự nghiêm túc chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính một số cục thi hành án, chi cục thi hành án dân sự còn có những biểu hiện không sẵn sàng vì công việc, gây phiền hà cho người dân thông qua kiểm tra đột xuất việc thực hiện trình tự, thủ tục thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án, cưỡng chế thi hành án ở cấp cơ sở. Từ đó, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh, xử lý nghiêm đối với những sai phạm, thiếu sót.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương

Để bảo đảm từng cán bộ các bộ phận trong cơ quan thi hành án dân sự trong sạch; bảo vệ pháp chế và công lý phải được thực thi đến cùng là nhiệm vụ quan trọng, then chốt trong năm 2018, bên cạnh những giải pháp nêu trên, các cơ quan thi hành án cần tăng cường đối thoại trực tiếp với công dân, hạn chế phát sinh những vụ khiếu nại, tố cáo vượt cấp, phức tạp, kéo dài; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp chây ỳ, trốn tránh, cố ý không chấp hành án; công khai thông tin về người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án. Ngoài ra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Công Hồng cho rằng, phải quan tâm đến việc xác minh điều kiện thi hành án để có giải pháp hữu hiệu đối với quá trình thi hành án. Theo ông Hồng, công tác kê biên, bán đấu giá tài sản thi hành án đang là một trong những vấn đề gây khiếu nại, tố cáo trong quá trình thi hành án dân sự, gây bức xúc trong nhân dân.

Trước một số tồn tại như, số án hành chính chưa thi hành được trong năm 2017 có tới 50 việc mà người phải thi hành án là UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện, Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Thúy Hiền cho rằng, bên cạnh nguyên nhân khách quan, còn có hiện tượng do dự, nể nang trong thi hành án.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá, số vụ việc thi hành án hành chính xong còn đạt tỷ lệ thấp (76,45%). Hiện tượng này cho thấy kỷ luật, kỷ cương của các cơ quan nhà nước trong việc chấp hành các bản án, quyết định hành chính có hiệu lực pháp luật chưa nghiêm. Do vậy, trong năm 2018, Bộ Tư pháp cần vào cuộc mạnh mẽ. Trước hết là báo cáo Thủ tướng Chính phủ danh sách UBND cấp tỉnh chưa thi hành xong bản án, quyết định của tòa án để chỉ đạo thực hiện. Song song với đó, Bộ tham mưu cho Chính phủ triển khai hiệu quả các nhiệm vụ quản lý nhà nước trong thi hành án hành chính; đề xuất các biện pháp cụ thể nâng cao kỷ luật, kỷ cương của các cơ quan hành chính trong việc chấp hành bản án, quyết định hành chính có hiệu lực pháp luật. Về phía cơ quan thi hành án dân sự, tiếp tục phối hợp với địa phương; thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, đôn đốc, kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân không chấp hành án hành chính theo quy định, coi đây là yếu tố quyết định thành bại của công tác thi hành án.

Bách Sen