Chất lượng phụ thuộc vật liệu và thi công
Đời sống - Ngày đăng : 08:06, 02/12/2017
Tuyến phố đi bộ Chùa Một Cột, phố Ông Ích Khiêm và đường Hùng Vương vừa hoàn thành lát đá tự nhiên, mang diện mạo mới sạch, đẹp, văn minh. Thiếu tá Trần Thanh Đông, Trưởng phòng Kinh tế tổng hợp - Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - cho biết: Tuyến đường mới được lát đá tự nhiên này thuộc Dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng tuyến phố đi bộ khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó, giai đoạn 1 của dự án được thực hiện trong 4 tháng, từ ngày 1-8 đến 30-11-2016, với tổng diện tích gần 7.000m2; giai đoạn 2 thi công từ ngày 15-8 đến 30-11-2017, với diện tích 2.350m2.
Vỉa hè đường Quang Trung (quận Hoàn Kiếm) được lát mới. Ảnh: Anh Tuấn |
Nói về việc thi công, lát đá vỉa hè, lòng đường tại tuyến phố đi bộ này, Đại tá Phạm Văn Thiện, Chánh Văn phòng Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết thêm: Toàn bộ hè sỏi nổi cũ được giữ nguyên hiện trạng. Phần cải tạo được đơn vị thi công bóc tách lớp nền, đào sâu 60-70cm, sau đó cán lu bằng phẳng; hạ ngầm các thiết bị chiếu sáng, thoát nước rồi mới rải lớp cát dày lên trên. Tiếp đến là lớp bê tông được trộn mác cao 300 dày 20cm. Phần vỉa hè thì không có cốt thép, còn phần lòng đường tuyến phố đi bộ bắt buộc phải có cốt thép để tăng độ chịu lực. Bê tông cũng được đổ từng khoảnh. Giữa các khoảnh đều có khe co giãn.
Cũng theo Đại tá Phạm Văn Thiện, để thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp này, đơn vị quyết định chọn đá hoa cương tại tỉnh Phú Yên vì độ cứng cao. Đá lát có 2 kích cỡ 405x810mm và 270x810mm, dày 100mm. Khi lát, lớp vữa gồm cát và xi măng có độ ướt vừa đủ để đạt độ kết dính.
Tuy nhiên, quan trọng nhất khi lát đá là cốt nền phải chắc và bền vững, nên trong quá trình thi công, lãnh đạo Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Giữa hai viên đá phải sử dụng ke để các mạch hở bằng nhau. Khi đá đã kết dính chắc chắn với lớp bê tông, ke mới được tháo ra. Việc để mạch hở cũng nhằm giúp thoát nước tốt. Cứ khoảng 5m lại đặt lớp cao su tạo khe co giãn.
Đến nay, sau hơn một năm giai đoạn 1 của dự án hoàn thành, không có bất kỳ sự cố, hư hỏng nào xảy ra liên quan đến đá lát vỉa hè, lòng đường. Việc thi công cẩn thận đến từng chi tiết trong từng công đoạn đã mang lại kết quả trên.
... đến vấn đề thi công ở một số quận
Trong khi đó, trên một số tuyến phố thuộc địa bàn các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông... cũng được lát đá vỉa hè nhưng dù mới đưa vào sử dụng, đã bị vỡ nát, hư hỏng. Theo Kiến trúc sư Đỗ Thanh Bình, Công ty TNHH Đỗ Gia, việc đá lát vỉa hè vừa sử dụng đã hư hỏng trước hết do đơn vị thi công không bảo đảm kỹ thuật, đơn vị giám sát không làm hết trách nhiệm.
"Việc lát đá đòi hỏi phải xử lý nền tốt, lớp bê tông đủ độ dày, có mác cao. Khi lát đá, lớp vữa phải đủ ướt để bảo đảm kết dính; sau đó cần đủ thời gian để đá và vữa bảo đảm độ cứng. Qua quan sát, tôi thấy có nơi vữa trộn không đủ độ ướt, vừa lát đá xong, người và phương tiện đã qua lại mà không có rào chắn hay người hướng dẫn. Việc hè sụt, lún, đá bong, vỡ cho thấy nền không được xử lý tốt" - ông Đỗ Thanh Bình nhận xét. Nhận xét của ông Đỗ Thanh Bình với kinh nghiệm thực tế thành công của tuyến phố đi bộ khu vực cạnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là điều rất đáng được đúc kết thành quy chuẩn khi tiến hành công việc này.
Cũng theo ông Bình, đá lát cần được lựa chọn kỹ, tăng độ dày, vì đá tự nhiên thường có sẵn vết rạn, nếu chỉ dày 4-5cm đá dễ vỡ khi bị tác động mạnh. Đây cũng là đề xuất của UBND quận Thanh Xuân đề nghị thành phố cho điều chỉnh kích thước đá theo hướng nhỏ hơn nhưng dày hơn: từ 40x40x4cm thành đá 30x30x6cm hoặc 20x20x6cm.
Về kết quả kiểm tra đánh giá chất lượng lát đá vỉa hè tại 4 quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng và Thanh Xuân sau khi có phản ánh của dư luận, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Trần Việt Trung cho biết: Sở đã phát hiện nhiều hạn chế, như đá sau khi lát bị cập kênh, nền làm ẩu, không được lu, đầm kỹ. Với vỉa hè bình thường đủ để đi xe máy được thì cốt nền bê tông phải dày 8cm; vỉa hè ô tô đi qua cốt bê tông dày 15cm, nhưng thực tế kiểm tra có nhiều tuyến vỉa hè cốt bê tông dày 8cm nhưng ô tô vẫn lên, xuống, đỗ hằng ngày... Đặc biệt, nhiều vị trí khớp nối tiếp giáp gốc cây, bốt điện không bảo đảm chất lượng. Phần lỗi này thuộc về các đơn vị thi công khi không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật.
Đáng chú ý, nhiều quận đã hiểu sai chỉ đạo của thành phố là chỉ cải tạo những tuyến vỉa hè đã xuống cấp, nhếch nhác và phải thực hiện đồng bộ với việc hạ ngầm đường dây, chỉnh trang tuyến phố, chứ không phải tuyến nào cũng thay bằng đá tự nhiên, nên có cả vỉa hè còn tốt cũng bị thay thế. Đến nay, sau khi kiểm tra, Sở Xây dựng đã yêu cầu, tất cả các tuyến lát vỉa hè phải hoàn thành hạ ngầm trước, tránh tình trạng sau khi lát đá lại đào lên. Các tủ điện trên vỉa hè cũng phải làm lại cho đúng thiết kế; với những dự án chưa triển khai thì phải dừng lại để rà soát.
Tại hội nghị giao ban công tác tháng 11-2017 mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu thanh tra, kiểm tra, làm rõ trách nhiệm, giải quyết nghiêm túc việc lát vỉa hè không bảo đảm chất lượng. Hiện, UBND quận Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng đã tạm dừng việc lát hè để kiểm tra.
Từ thực tế lát vỉa hè tuyến phố đi bộ khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các tuyến phố trên địa bàn Hà Nội, có thể thấy vật liệu đá tự nhiên có giá trị về thẩm mỹ, song cũng đòi hỏi thi công, giám sát phải cẩn trọng, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật cả về chất lượng vật liệu lẫn thi công. Cách làm của chủ đầu tư, đơn vị thi công tuyến phố đi bộ khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là hình mẫu cần nhân rộng, khi thực hiện việc sắp xếp lại vỉa hè, lòng đường, bảo đảm đồng bộ, văn minh và sử dụng lâu bền, thống nhất các công trình hạ tầng ở 12 quận trên địa bàn thành phố.