Cải cách tổ chức bộ máy hành chính chưa hiệu quả vì cấp bộ chưa nghiêm
Đời sống - Ngày đăng : 16:02, 02/12/2017
Chưa nghiêm từ cấp bộ
Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) đã ban hành Kết luận 64-KL/TƯ ngày 28-5-2013 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở, chỉ rõ: “Điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành tập trung vào quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, khắc phục những chồng chéo hoặc bỏ trống về chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, đối tượng quản lý”.
Tiếp đến, năm 2014, Chính phủ ban hành Nghị định 108/2014/NĐ-CP xác định các mục tiêu tinh giản biên chế giai đoạn 2011-2016. Tuy nhiên, tổng số biên chế tính đến cuối năm 2016 tăng gần 4,8% so với năm 2011. Theo báo cáo của Chính phủ, tình trạng sử dụng vượt quá biên chế đã có chuyển biến nhưng chưa được khắc phục triệt để. Hiện vẫn còn 11 địa phương sử dụng vượt 7.951 (vượt 5%) so với số biên chế công chức được giao.
Một vấn đề nữa là chủ trương “Không tổ chức phòng trong vụ” đã được đề ra trong những năm gần đây, song việc triển khai chưa đạt hiệu quả. Từ tháng 7 đến 12-2016, số phòng thuộc vụ chỉ giảm từ 692 phòng xuống còn 681 phòng (giảm 11 phòng).
Trong đó, phải kể đến những vụ có nhiều phòng như, Vụ Kế hoạch - Tài chính thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (7 phòng); Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Hợp tác quốc tế thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (7 phòng); Vụ Tổ chức - Cán bộ thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (7 phòng); Vụ Pháp chế thuộc Bộ Công Thương (6 phòng)...
Ngoài ra, còn tình trạng mất cân đối giữa số lượng người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý và số công chức tham mưu. Cụ thể là tỷ lệ công chức giữ chức danh lãnh đạo từ cấp phó phòng trở lên/công chức ở Bộ Công Thương (thuộc khối tổng cục là 3/4; khối vụ, đơn vị là 7/8); ở Bộ Tài chính (thuộc khối tổng cục là 1/6; khối vụ, đơn vị là 2/3); ở Bộ Giao thông - Vận tải (khối tổng cục là 3/8; khối vụ, đơn vị là 1/2); ở Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (khối tổng cục là 4/7; khối vụ, đơn vị là 2/3).
Như vậy, trên thực tế, các bộ, cơ quan ngang bộ chưa thực hiện nghiêm chủ trương của Trung ương, quy định của Chính phủ.
Đề cao trách nhiệm người đứng đầu
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hạn chế, bất cập trên là do các cơ quan chức năng chưa thực sự làm hết trách nhiệm của mình. Việc cải cách bộ máy hành chính nhà nước, tinh giản biên chế vẫn chưa được thực hiện quyết liệt, đồng bộ.
Ngoài ra, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, việc thanh tra, kiểm tra, xử lý là một trong những chức năng cơ bản của các đơn vị sự nghiệp và các đơn vị hành chính nhà nước, nhưng rất ít thủ trưởng các cơ quan phụ trách công tác thanh tra. Do đó, các đơn vị không kịp thời phát hiện bộ máy “phình” ra để điều chỉnh ngay.
Ông Nguyễn Ngọc Phương, Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận định, quy định pháp luật vẫn còn "kẽ hở", dẫn đến tình trạng hình thành một số chức danh không có trong quy định như "hàm vụ trưởng", "hàm vụ phó"… Ngoài ra, do người đứng đầu buông lỏng công tác quản lý, lãnh đạo...
Để khắc phục bất cập, tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong đó khẳng định, tiếp tục sắp xếp cơ cấu tổ chức các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn với các tiêu chí cụ thể.
Căn cứ vào đó, bộ, cơ quan ngang bộ sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bên trong để giảm tối đa cấp trung gian, thu gọn đầu mối, giảm biên chế, giảm số lượng lãnh đạo cấp phó và người giữ “hàm” lãnh đạo, quản lý. Nghị quyết cũng đề ra chỉ tiêu, bảo đảm đến năm 2021 giảm được 10% so với biên chế giao năm 2015. Trong quá trình thực hiện, đề cao trách nhiệm, coi đây là một tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm để các bộ, ngành, địa phương nhìn nhận rõ vai trò, trách nhiệm của mình, thận trọng xây dựng lộ trình, kế hoạch để thực hiện hiệu quả Nghị quyết về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn.