Tiếp tục triển khai tốt hơn các nhiệm vụ được giao
Chính trị - Ngày đăng : 06:28, 02/12/2017
Biến cam kết thành hành động
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, trước buổi họp báo đã diễn ra phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11-2017 ở thời điểm chỉ còn đúng một tháng nữa sẽ bước sang năm mới 2018. Thủ tướng đề nghị, các thành viên Chính phủ, bộ, ngành, địa phương đồng tâm hiệp lực, triển khai quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ tháng cuối năm. Trong đó có việc khắc phục hậu quả bão lũ, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản chậm (mới đạt gần 63%), số doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động còn nhiều.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Những công việc người đứng đầu Chính phủ yêu cầu làm ngay là: Ngân hàng Nhà nước theo dõi chặt chẽ diễn biến của tình hình thị trường tiền tệ, tín dụng, lãi suất, tỷ giá hối đoái, thị trường ngoại tệ để có chính sách điều chỉnh kịp thời, không để biến động lớn. Liên quan đến việc tăng giá điện, Thủ tướng nêu rõ, theo tính toán, việc tăng giá điện chỉ làm tăng CPI khoảng 0,08% năm 2017 và 0,1% năm 2018 và yêu cầu các ngành liên quan theo dõi chặt chẽ tình hình giá cả, thị trường; chuẩn bị tốt nguồn hàng, bảo đảm cung cầu hàng hóa, dịch vụ vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Mậu Tuất để ổn định đời sống nhân dân và khôi phục sản xuất tại các địa bàn chịu ảnh hưởng thiên tai.
Đề cập đến công trình giao thông được đầu tư theo hình thức BOT, một vấn đề nóng hiện nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải báo cáo tổng hợp, trình Thường trực Chính phủ, đặc biệt là về công trình BOT Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, nhằm đánh giá toàn diện, không để kéo dài tình trạng bất ổn. Người đứng đầu Chính phủ cũng đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm lộ trình thoái vốn doanh nghiệp nhà nước đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (trong đó có thoái vốn của Sabeco, Habeco và một số doanh nghiệp lớn khác).
Về định hướng xây dựng dự thảo Nghị quyết số 01 của năm 2018 - văn bản định hướng công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ và cả hệ thống hành chính nhà nước trong năm 2018, Thủ tướng yêu cầu không đưa ra quá nhiều nhiệm vụ, giải pháp, trùng với chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành, trùng với các nghị quyết khác của Chính phủ và tránh tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”.
Theo đó, Thủ tướng nêu lên ba nội dung chính nghị quyết phải hướng tới.
Một là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng.
Hai là quyết liệt cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật kỷ cương, nâng cao hiệu lực hiệu quả thực thi pháp luật và chỉ đạo điều hành ở tất cả các ngành, các cấp.
Ba là đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm; chú trọng hơn nữa phát triển văn hóa, xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế.
Lùi thời hạn thực hiện thông tư ghi tên cả nhà vào “sổ đỏ”
Sau phần thông tin của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, nhiều câu hỏi được phóng viên đặt ra với lãnh đạo các bộ, ngành về tăng giá điện, sai phạm của gói đấu thầu thiết bị y tế Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh, phát triển nông nghiệp sạch…
Bên cạnh đó, vấn đề nhận được sự quan tâm của dư luận là "số phận" Thông tư 33/2017/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường “Quy định chi tiết Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6-1-2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai” đã được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà giải đáp.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, sẽ lùi thời điểm thực hiện Thông tư 33/2017/TT-BTNMT (dự định có hiệu lực từ ngày 5-12) để có thêm thời gian chuẩn bị. “Trong thời gian vừa qua, việc quy định ghi tên hộ gia đình trong giấy chứng nhận, như vậy hộ là chủ thể. Trên thực tế, Bộ luật Dân sự không còn khái niệm hộ. Chúng ta phải thực hiện quy định rõ hơn quyền hạn của từng cá nhân với đất đai và tài sản chung” - Bộ trưởng cho biết.
Liên quan đến hiện tượng nhiều tài xế sử dụng tiền lẻ mua vé để phản đối Trạm thu phí BOT Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) đặt sai vị trí, gây ách tắc giao thông, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Nhật thông tin, trong thời gian tạm đóng trạm từ tháng 8-2017, bộ đã rà soát lại tất cả các quy định liên quan cho thấy đầu tư dự án này đúng quy định.
“Hiện tượng một số lái xe quá khích, không ủng hộ thu phí, một số lái xe dừng xe giữa trạm, tắt máy và bỏ xe lại đi chơi... dư luận không nên ủng hộ. Bộ Giao thông - Vận tải sẽ tiếp tục làm việc với chủ đầu tư, UBND tỉnh Tiền Giang và có chính sách để thuyết phục người dân thực hiện đúng quy định" - Thứ trưởng Nguyễn Nhật nói.
Với các câu hỏi về tiến độ tinh giản biên chế, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng chia sẻ, theo Nghị quyết 39-NQ/TƯ của Bộ Chính trị thì đặt mục tiêu đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% tổng biên chế. Kết quả trong hai năm 2016-2017 chúng ta đã tinh giản được 2,9%. Riêng thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TƯ đã giảm được trên 32.000 người…
Một số kết quả nổi bật của 11 tháng năm 2017 Khách quốc tế tháng 11 đạt 1,17 triệu lượt; 11 tháng đạt 11,65 triệu lượt, tăng 27,8%. Vốn FDI đăng ký 11 tháng là 19,8 tỷ USD, tăng 52%; tổng vốn đăng ký mới, bổ sung và mua cổ phần đạt 33,1 tỷ USD, tăng 53,4%; vốn FDI thực hiện đạt 16 tỷ USD, tăng 11,9%. Xuất khẩu 11 tháng đạt 193,75 tỷ USD, tăng 21,7%; xuất siêu 2,8 tỷ USD. 11 tháng qua có 116.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với vốn đăng ký tăng 41,9%; tổng vốn đăng ký mới và bổ sung đạt trên 2,7 triệu tỷ đồng. |