Xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước thôn, làng: Tránh áp đặt hay hành chính hóa

Văn hóa - Ngày đăng : 07:18, 03/12/2017

(HNM) - Cả nước hiện có 110 nghìn bản hương ước, quy ước thôn, làng đã được soạn thảo. Tuy nhiên, nhiều nơi tổ chức xây dựng hương ước, quy ước thôn, làng còn thiếu dân chủ, soạn thảo cho có, để rồi… cất tủ...

Lễ hội ở xã Đông Yên (huyện Quốc Oai) được tổ chức văn minh, mang đậm bản sắc truyền thống theo đúng quy định của hương ước, quy ước thôn, làng. Ảnh: Anh Tuấn


Nhiều hạn chế

Báo cáo từ Bộ Tư pháp cho thấy, trong số 125 nghìn thôn, làng trên cả nước được rà soát, có gần 110 nghìn bản hương ước, quy ước đã được phê duyệt (chiếm hơn 87%); 6,7 nghìn bản hương ước, quy ước đang trong quá trình phê duyệt và hơn 3,2 nghìn bản khác đang xây dựng. Những con số này cho thấy hương ước, quy ước thôn làng đã lan tỏa và phát huy vai trò tự quản trong xây dựng, thực hiện nếp sống văn minh, dân chủ ở cơ sở, phát huy tính đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng, thực hiện hương ước còn bộc lộ nhiều hạn chế.

Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL) Ninh Thị Thu Hương cho biết: Vẫn còn tình trạng xây dựng hương ước, quy ước không xuất phát từ nhu cầu thực tế của địa phương mà chỉ để bảo đảm tiêu chí thi đua, khen thưởng. Nội dung của nhiều hương ước, quy ước còn sơ sài, rập khuôn từ các quy định của pháp luật; hương ước, quy ước mẫu mà bỏ qua những đặc điểm, điều kiện của địa phương. Thậm chí, nhiều điều khoản trong hương ước không đúng với tinh thần pháp luật, can thiệp sâu vào đời sống cá nhân hoặc đi ngược lại phong tục, truyền thống lâu đời. Việc thực hiện hương ước, quy ước sau khi được phê duyệt ở một số nơi còn mang tính hình thức. Công tác tuyên truyền phổ biến hương ước, quy ước chưa được thường xuyên, dẫn đến tình trạng hương ước, quy ước được phê duyệt nhưng không được sử dụng triệt để...

Đồng tình với nhận xét trên, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Sóc Trăng Phạm Văn Đâu nêu: Nhiều nơi tổ chức xây dựng hương ước, quy ước thôn, làng còn thiếu dân chủ, soạn thảo cho có, để rồi… cất tủ. Thực tế nhiều người dân không biết thôn, làng mình có hương ước, quy ước. Điều này đã làm suy giảm vai trò của hương ước, quy ước trong cộng đồng. Hạn chế này xuất phát từ thực tế công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhiều nơi còn thiếu quyết liệt hoặc quá hình thức. Việc tuyên truyền, vận động người dân xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước còn lỏng lẻo, chưa thường xuyên, đầu tư nguồn lực cho xây dựng hương ước, quy ước chưa tương xứng. Năng lực, trình độ của cán bộ thôn, bản, tổ dân phố nhiều nơi còn hạn chế; điều kiện tiếp cận với các văn bản quy phạm pháp luật không nhiều dẫn đến chất lượng xây dựng hương ước, quy ước không cao, nhiều văn bản còn nặng tính hình thức, hô hào, thiếu gần gũi với đời sống cộng đồng…

Theo Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Bắc Giang Trần Minh Hà, những hạn chế kể trên còn đến từ các văn bản pháp luật về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước ban hành đã lâu, chậm được rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nên nhiều nội dung không còn phù hợp với thực tế hiện nay. Chẳng hạn, Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư thiếu các quy phạm pháp luật cụ thể cũng như chưa phân định rõ trách nhiệm chủ trì, trách nhiệm phối hợp của các bộ, ngành liên quan.

Đưa hương ước vào đời sống cộng đồng

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, Bộ Tư pháp đang hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước. Dự thảo này sẽ mang tính định hướng 10 nhóm lĩnh vực của đời sống cộng đồng dân cư để các địa phương lựa chọn dựa trên tinh thần tự nguyện và nhu cầu của cộng đồng dân cư, tuyệt đối không áp đặt hay hành chính hóa. Dự thảo cũng nêu rõ: Nội dung của hương ước, quy ước không được trái pháp luật, trái thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội; không xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, quyền con người, quyền công dân; không đặt ra các khoản phí, lệ phí, phạt tiền, phạt vật chất.

Thạc sĩ Nguyễn Thu Hà, Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, để hương ước, quy ước đi sâu vào đời sống cộng đồng, bên cạnh việc không đưa xây dựng hương ước, quy ước vào tiêu chí bắt buộc để xét công nhận khu dân cư văn hóa. Các quy định đặt ra cần tránh áp đặt, duy ý chí. Thay vì áp dụng các hình thức phạt nên có những điều hướng dẫn cách xử sự phù hợp với nếp sống, lối sống của địa phương cũng như đặt ra nhiều giải thưởng, hình thức khuyến khích trong hương ước, quy ước để người dân hào hứng tự nguyện, tự giác thực hiện từ đó nâng cao “sức mạnh”, sự ảnh hưởng của hương ước, quy ước trong đời sống cộng đồng.

Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hương ước, quy ước, cấp huyện và cấp xã nên bố trí cán bộ, công chức phụ trách việc tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ phê duyệt hương ước, quy ước; mở lớp tập huấn nghiệp vụ xây dựng và quản lý cho cán bộ phụ trách cũng như bổ sung kinh phí từ ngân sách nhà nước cho hoạt động xây dựng, thực hiện, quản lý nhà nước về hương ước, quy ước.

Thanh Thủy