Rộn ràng những vùng hoa "gọi" Tết
Kinh tế - Ngày đăng : 06:24, 04/12/2017
Nông dân phường Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm) chăm sóc hoa phục vụ dịp Tết Nguyên đán sắp tới. |
Hối hả với hoa
Những ngày này, về các làng hoa ở huyện Mê Linh đều nhận thấy, người dân đã hoàn thành việc xuống giống trồng hoa phục vụ Tết Nguyên đán Mậu Tuất. Trưởng phòng Kinh tế huyện Nguyễn Thị Ngọc Hà tâm sự: Nghề trồng hoa ở đây dù không lâu đời như ở phường Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm) nhưng giờ đây Mê Linh đang trở thành “vựa hoa” của Thủ đô, chuyên cung cấp hoa thương phẩm cho thị trường trong và ngoài nước.
Hiện diện tích trồng hoa của huyện khoảng 430ha với chủng loại đa dạng: Hồng, cúc, huệ, lan, ly, loa kèn, hướng dương... nhưng hoa hồng được trồng nhiều nhất với diện tích 350ha, chủ yếu ở các xã: Mê Linh, Văn Khê, Thanh Lâm... Hiện bà con ở các xã đang tất bật chăm sóc những luống hoa, chậu hoa, và canh thời tiết để hoa nở đúng dịp Tết Nguyên đán. Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, người dân trồng hoa ở Mê Linh không còn phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết.
Hơn nữa, người dân đã cơ giới hóa khâu làm đất, bón phân; hoa ly được trồng trong nhà kính, nhà lưới; hoa cúc được áp dụng biện pháp điều chỉnh nhiệt độ phù hợp, tăng thời gian chiếu sáng bằng cách thắp đèn vào ban đêm để hoa nở quanh năm, kết hợp che phủ ni lông để hạn chế sâu bệnh... nên chất lượng các loại hoa ngày càng được nâng cao.
Rời vùng hoa Mê Linh, chúng tôi tới thăm khu sản xuất hoa công nghệ cao ở thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng). Cặm cụi bên những chậu hoa trong nhà kính, Giám đốc Hợp tác xã Đan Hoài (thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng) Bùi Hường Bích vẫn không quên dặn người lao động chăm sóc những chậu lan cẩn thận. Đưa chúng tôi đến khu vực để những giỏ lan khách mới đến đặt, nữ giám đốc vui vẻ cho biết, hợp tác xã gần như làm chủ được thời kỳ ra hoa, độ sắc của hoa, không còn lệ thuộc thời tiết.
Để làm được điều này, hợp tác xã đã đầu tư trang thiết bị hiện đại như: Nhà nhân giống nuôi cấy mô, nhà lưới sản xuất điều khiển nhiệt độ tự động qua hệ thống cảm ứng nhiệt máy tính và hệ thống tưới nước phun sương giữ ẩm tự động; đồng thời, công nhân làm việc tại đây đều được tập huấn kiến thức và kinh nghiệm trồng hoa từ các chuyên gia nước ngoài. Do vậy, hoa của hợp tác xã có màu sắc, hương thơm và độ bền khác biệt so với các nơi khác và vì thế giá hoa ở đây cũng nhỉnh hơn mặt bằng chung.
Rời các vùng hoa, đến vùng trồng quất cảnh của nông dân đất bãi Tàm Xá (huyện Đông Anh), chúng tôi cũng cảm nhận được không khí Tết dường như đang ùa về. Phủ khắp vùng bãi Tàm Xá là những vườn quất bạt ngàn xanh mướt, lúc lỉu quả xanh mơn mởn đang được nông dân chăm sóc tỉ mỉ... Vùng bãi Tàm Xá được phù sa sông Hồng bồi đắp nên đất ở đây khá màu mỡ, rất phù hợp với cây quất. Không bỏ lỡ lợi thế này, hơn 30% số hộ trong xã đã trồng quất cảnh để phát triển kinh tế.
Một trong những hộ tích cực là gia đình anh Bùi Mạnh Thắng ở thôn Đoài (xã Tàm Xá) có 3 sào quất với khoảng 300 gốc. Anh chia sẻ: Với quất, khó khăn nhất là công chăm sóc và kỹ thuật trồng. Nhờ điều kiện đất đai, nguồn nước vùng bãi ưu đãi, nên năm nào quất của Tàm Xá cũng đẹp, phát triển tốt hơn các vùng quất cảnh khác...
Theo quan sát của chúng tôi, hiện quả quất mới chỉ bằng ngón tay cái, nhưng theo những người trồng quất thì với kỹ thuật chăm sóc đặc biệt sẽ khiến quả quất chín vàng, căng bóng và kèm cả quả xanh, hoa, chồi... vào đúng dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Nói về sự đổi thay tích cực từ trồng quất cảnh, Chủ tịch UBND xã Tàm Xá Hoàng Hữu Vân hồ hởi: Hiện, toàn xã có khoảng 500 hộ trồng quất với diện tích 55ha. Quất Tàm Xá đang dần trở thành thương hiệu, thu hút đông đảo người dân Hà Nội và các tỉnh lân cận. Từ chỗ chủ yếu sản xuất những cây quất đơn giản, hiện nay nhiều gia đình ở Tàm Xá đã tạo quất thế, quất giống… cho giá trị kinh tế cao.
Chỉ mong "mưa thuận gió hòa"
Trái ngược với tâm lý vui mừng của nông dân trồng quất, hoa lan… những nông dân trồng hoa ly ở phường Tây Tựu, Thượng Cát (quận Bắc Từ Liêm), Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng)… đang lo âu nghe ngóng thời tiết. Chị Nguyễn Thị Quất ở phường Tây Tựu chia sẻ đầy ưu tư: Gia đình tôi trồng hơn 60.000 gốc hoa ly, nếu thời tiết cứ nắng nóng kéo dài, rét ngắn như thời điểm trước Tết năm 2017 thì người trồng ly lại thất thu, bởi hoa sẽ nở không đúng dịp Tết. Rút kinh nghiệm từ năm trước, năm nay gia đình tôi trồng hoa ly ở những thời điểm khác nhau để chủ động rải vụ, nhằm phần nào thích ứng với biến đổi bất thường của thời tiết, dù biết như vậy sẽ vất vả, nhọc nhằn và khó đáp ứng nhu cầu lượng hoa vào dịp đặc biệt như Tết Nguyên đán và những ngày lễ khác...
Trò chuyện với anh Nguyễn Văn Quang ở phường Nhật Tân (quận Tây Hồ) bên những ruộng hoa đào "chờ" Tết, anh cho biết, thời điểm này các thành viên trong gia đình phải thay phiên nhau tưới nước, phun thuốc trừ nấm, sâu bệnh để bảo đảm hoa nở đều, đẹp đúng dịp Tết. Tuy nhiên, năm nay thời tiết diễn biến khó lường, theo dự đoán sẽ ấm nóng vào trước Tết và rét vào dịp Tết, nên những người trồng hoa "thấp thỏm" không yên, chỉ mong "mưa thuận gió hòa" để không phụ công những người vất vả vì hoa...
Chia sẻ kỹ thuật trồng hoa trúng vụ Tết, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Thị Thoa cho rằng, người dân cần tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật: Làm đất, xuống giống, chăm sóc hoa, bón phân đúng cách, đúng thời điểm để hạn chế sâu bệnh, đồng thời, cần theo dõi sát sự sinh trưởng của cây hoa để có hướng điều chỉnh nước tưới, phân bón, nhiệt độ phù hợp...
Để có mùa hoa Tết bội thu là mong mỏi của tất cả những người trồng hoa. Dù nhọc nhằn "hai sương một nắng", nhưng họ vẫn phải phụ thuộc, trông chờ vào những yếu tố khách quan, đặc biệt, thời tiết luôn là điều kiện quyết định sự tươi thắm sắc hoa chào xuân mới.
Hơn hết, người trồng hoa đang rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng về nguồn vốn đầu tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hạ tầng đặc thù, giúp nông dân chủ động trong sản xuất và kiểm soát sự sinh trưởng, phát triển các loài hoa, cây cảnh... để những cánh đồng hoa khi "gọi" mùa xuân về sẽ mang theo cả niềm vui bội thu cho người trồng hoa.