Hà Nội: GRDP năm 2017 ước tăng 7,3%

Kinh tế - Ngày đăng : 09:25, 04/12/2017

(HNMO) - Năm 2017, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hà Nội ước tăng 8,5% (cách tính mới tăng 7,3%); chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 7%...



Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 tại phiên khai mạc kỳ họp thứ năm HĐND thành phố khóa XV sáng 4-12, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu cho biết, năm 2017, tổng sản phẩm trên địa bàn ước tăng 7,3% (cách tính cũ là 8,5%); chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 7%; thị trường ổn định, chỉ số giá tiêu dùng bình quân ước tăng 3,05-3,11%; tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán ra và doanh thu dịch vụ ước tăng 10,3%; tín dụng ngân hàng phát triển tốt, đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa và vốn cho sản xuất; kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn ước đạt 11,54 tỷ USD, tăng 8%. Khách du lịch ước đạt 23,83 triệu lượt người, tăng 9%; trong đó, khách quốc tế 4,95 triệu lượt, tăng 23%. Mặc dù thời tiết diễn biến bất lợi, giá một số nông sản có thời điểm giảm mạnh nhưng nông nghiệp tiếp tục phát triển, giá trị gia tăng ước tăng 2%.


Thành phố quyết liệt chỉ đạo thực hiện các chương trình, đề án xây dựng nông thôn mới (NTM). Đã có thêm 2 huyện là Thanh Trì, Hoài Đức đạt chuẩn NTM, nâng tổng số lên 4 huyện NTM; có thêm 30 xã đạt chuẩn (kế hoạch là 22 xã), nâng tổng số lên 285 xã NTM (tỷ lệ 73,8%).

Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu. Ảnh: Nhật Nam


Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện rõ nét; thu hút đầu tư đạt kết quả cao; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 10 bậc, xếp thứ 14/63 tỉnh, thành, cao nhất từ trước tới nay; tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt xấp xỉ 100%; doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đạt 98%; thủ tục hải quan điện tử đạt 100%; phê duyệt chủ trương đầu tư 160 dự án vốn ngoài ngân sách trị giá 110.000 tỷ đồng; vốn đăng ký FDI cả cấp mới và tăng vốn ước đạt 3,356 tỷ USD; tiếp nhận 128 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư-PPP (8 dự án đã hoàn thành với vốn đầu tư 13.683 tỷ đồng; 12 dự án đang thực hiện với vốn đầu tư 28.505 tỷ đồng); cấp đăng ký doanh nghiệp cho 25.160 doanh nghiệp, tăng 11% với vốn đăng ký 240.000 tỷ đồng (tăng 4%), lũy kế số doanh nghiệp trên địa bàn là 231,92 nghìn doanh nghiệp. Thành phố đang xem xét phê duyệt Kế hoạch khuyến khích hỗ trợ các hộ sản xuất, kinh doanh, các đơn vị, cá nhân thành lập doanh nghiệp để phấn đấu đến hết năm 2020, toàn Thành phố có 400 nghìn doanh nghiệp. Tổng vốn đầu tư xã hội ước đạt 308,5 nghìn tỷ đồng, tăng 11%.

Cũng theo báo cáo, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 207,628 nghìn tỷ đồng, bằng 101,4% dự toán, tăng 15,7% so thực hiện năm 2016, trong đó thu nội địa đạt 187,64 nghìn tỷ đồng, bằng 101% dự toán, tăng 16,1%; chi ngân sách địa phương ước thực hiện 75,205 nghìn tỷ đồng.

An sinh xã hội được đảm bảo; sự nghiệp văn hoá, giáo dục, y tế tiếp tục phát triển; “Năm kỷ cương hành chính 2017” có chuyển biến rõ nét; quản lý đô thị được đẩy mạnh, cây xanh, chiếu sáng, chỉnh trang đường phố được đổi mới; quản lý hè phố, vệ sinh môi trường được duy trì, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè được chấn chỉnh, có bước tiến bộ; xây dựng nông thôn mới tiếp tục được triển khai tích cực; quốc phòng được củng cố; an ninh chính trị, trật tự xã hội được đảm bảo; đối ngoại được mở rộng...

Tất cả các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đều hoàn thành kế hoạch, trong đó thu ngân sách vượt dự toán và 6 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Kết quả đạt được phù hợp tình hình phát triển chung của cả nước (13 chỉ tiêu của cả nước đạt và vượt kế hoạch), Hà Nội tiếp tục phát huy vai trò là một đầu tàu kinh tế của cả nước.

Bên cạnh những kết quả trên, báo cáo cũng chỉ ra những hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Đó là: Việc triển khai thực hiện nhiệm vụ do Trung ương đề ra trên một số lĩnh vực còn chậm; kinh tế có bước phát triển toàn diện, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; tăng trưởng kinh tế chưa thực sự ổn định, bền vững; quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị, quản lý đất đai, trật tự an toàn giao thông còn một số mặt chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm đất công, đặc biệt là lấn chiếm đất nông nghiệp, vi phạm khai thác cát, sử dụng bến bãi trái phép còn xảy ra; còn một số hạn chế trong quản lý đô thị, quản lý đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, quản lý tài chính về đất đai, hạ tầng đô thị; khắc phục úng ngập, ùn tắc giao thông, kiểm soát và xử lý nước thải, rác thải, ô nhiễm môi trường chưa tốt; hiện tượng tái lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, vi phạm về biển hiệu có lúc, có nơi còn diễn ra; công tác khám chữa bệnh, chất lượng thuốc, vệ sinh an toàn thực phẩm có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng yêu cầu; công tác cải cách hành chính bước đầu có chuyển biến, song việc quản lý, điều hành của bộ máy hành chính ở một số cấp, ngành, lĩnh vực chưa thực sự quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả thấp...

T.Hương