Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam 2017: Cầu nối quan trọng của "ba nhà"
Kinh tế - Ngày đăng : 07:18, 05/12/2017
Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm tại Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam 2017. Ảnh: Anh Tuấn |
Tạo sức hút đặc biệt
Với quy mô 250 gian hàng, Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam 2017 thu hút gần 200 đơn vị, doanh nghiệp của 55 tỉnh, thành phố trong cả nước tham dự, trưng bày, giới thiệu những sản phẩm đặc trưng, đặc sản của các địa phương, trong đó có nhiều sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Ngoài ra, Hà Nội cũng giới thiệu đến người tiêu dùng những sản phẩm đặc sản như hạt sen trần, cốm Vòng, giò chả Ước Lễ, nem Phùng…
Bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch TP Hà Nội cho biết, Ban Tổ chức đặc biệt quan tâm, lựa chọn các sản phẩm bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm… khuyến khích doanh nghiệp phát triển, giới thiệu những sản phẩm mới, sáng tạo, bao bì đẹp.
Chị Nguyễn Thu Thủy (sống tại Royal City, quận Thanh Xuân - nơi diễn ra hội chợ) nhận xét, các sản phẩm đặc sản thực sự rất ngon, hội chợ được bài trí theo hình ảnh các vùng, miền trong không gian lịch lãm, tạo sức hút với cả người lớn và trẻ nhỏ. Nhu cầu tiêu dùng đặc sản vùng, miền của người dân ngày càng nhiều hơn, nhất là vào dịp Tết. Vì vậy, thu hút được nhiều đặc sản vùng, miền về Hà Nội sẽ làm Thủ đô có sức hút đặc biệt hơn với khách du lịch trong nước và quốc tế.
Ông Phạm Trọng Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty MTV Phạm Nghĩa T&N(Cần Thơ) chia sẻ, tham gia Hội chợ đặc sản vùng miền ngay từ những năm đầu, nhưng khác với những lần trước, năm nay, công ty đã chủ động đăng ký gian hàng để giới thiệu sản phẩm trực tiếp tới người tiêu dùng. Thông qua hội chợ, công ty mong muốn tìm kiếm các nhà phân phối lớn nhằm đưa sản phẩm đến người tiêu dùng Thủ đô theo phương thức gần gũi, tiện lợi và thân thiện.
Đẩy mạnh kết nối giao thương
Theo ông Nguyễn Gia Phương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch TP Hà Nội, không chỉ có ý nghĩa đặc biệt trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, hội chợ còn góp phần tăng cường cung ứng, tiêu thụ nguồn hàng chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, từng bước để các doanh nghiệp phân phối của Hà Nội tiếp cận với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh của các tỉnh, thành phố, tạo nguồn hàng cung ứng lâu dài, ổn định, phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, những năm qua, TP Hà Nội đã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao chất lượng, thiết kế bao bì sản phẩm, tổ chức triển lãm, giới thiệu sản phẩm; tăng cường liên kết, khai thác tiềm năng các đặc sản vùng, miền. Bên cạnh đó, TP Hà Nội còn triển khai nhiều chương trình hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt là các hoạt động hợp tác xúc tiến, kết nối giao thương với các tỉnh Tây Nam Bộ, Bắc Giang, Hải Dương, Sơn La, Bình Thuận, Lâm Đồng… tạo ra các chuỗi sản xuất - tiêu thụ, bảo đảm chất lượng sản phẩm. Đây cũng là năm đầu tiên hội chợ có tham gia của đại sứ quán các nước như Australia, Brazil, Italia… trưng bày, giới thiệu và trình diễn các sản phẩm đặc sản của quốc gia mình, tạo nên sự đa dạng về sản phẩm.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản khẳng định, qua 3 năm tổ chức, hội chợ đã đổi mới, nâng cao chất lượng, trở thành sự kiện xúc tiến thương mại có uy tín, thu hút sự tham gia đông đảo của các tỉnh, thành phố trong cả nước và được người tiêu dùng Thủ đô đón nhận. Hội chợ ngày càng khẳng định là cầu nối quan trọng giữa nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng, là kênh quảng bá hiệu quả cho các sản phẩm đặc sản Việt Nam và giống như ngày hội đặc sản tại Hà Nội.