Tận dụng cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ tư để phát triển
Chính trị - Ngày đăng : 14:24, 05/12/2017
Các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương tham dự.
Sự kiện do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tập đoàn Dữ liệu quốc tế IDG tổ chức, đã quy tụ được 400 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương, cộng đồng doanh nghiệp trong nước, đại sứ quán, doanh nghiệp nước ngoài tham dự.
Thủ tướng thăm các gian hàng công nghệ tại hội thảo-triển lãm. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Cơ hội thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc
Phát biểu tại hội thảo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là tập trung xây dựng, phát triển nền kinh tế số và công nghiệp thông minh, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Theo Thủ tướng, Chính phủ đã đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm: Tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật cho phát triển nền kinh tế số, công nghiệp thông minh; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó công nghệ thông tin và hạ tầng thông tin đóng vai trò là “hạ tầng của hạ tầng” cho nền kinh tế số; phát triển nhanh nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng nền kinh tế số; phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; thúc đẩy khởi nghiệp trong mọi ngành, lĩnh vực; doanh nghiệp vừa là trung tâm, vừa là động lực phát triển của công nghệ mới, công nghiệp thông minh…
“Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc, chúng ta không thể bỏ lỡ và cần chủ động nắm bắt. Phải hành động quyết liệt, kịp thời để vượt qua thách thức, phát huy mọi lợi thế, tận dụng thành công cơ hội phát triển...” - Thủ tướng nhấn mạnh. Đồng thời, “đặt hàng” các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học cùng trao đổi, thảo luận thẳng thắn, chia sẻ quan điểm cụ thể về phát triển công nghiệp thông minh, tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với Việt Nam và các chiến lược, cơ chế, chính sách liên quan. Thủ tướng cho rằng, nên tập trung vào những vấn đề trọng tâm: Một là, Việt Nam đang ở đâu, để đánh giá thực trạng của nền kinh tế Việt Nam trên phương diện ứng dụng công nghệ mới, phát triển công nghiệp thông minh, nhất là những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức; làm rõ những lợi thế của Việt Nam trong phát triển kinh tế số, nhất là về nguồn nhân lực và sự năng động, sáng tạo của khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp. Hai là, các nước đang làm gì, có thể chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phát triển kinh tế số, công nghiệp thông minh, đặc biệt là những nước có điều kiện tương đồng với Việt Nam như Trung Quốc và các nước ASEAN. Ba là, Việt Nam cần làm gì để phát triển thành công nền kinh tế số, công nghiệp thông minh, đề xuất, kiến nghị cụ thể về chiến lược, định hướng và giải pháp phát triển kinh tế số, công nghiệp thông minh ở Việt Nam thời gian tới…
Thủ tướng cũng đề nghị, trên cơ sở báo cáo của các diễn giả, các nhà khoa học, nhà quản lý... Ban Kinh tế Trung ương chỉ đạo tổng hợp đầy đủ các ý kiến để báo cáo trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư và gửi Chính phủ, các bộ, ngành chức năng để nghiên cứu, phục vụ cho quá trình rà soát, hoàn thiện pháp luật và các cơ chế chính sách liên quan cũng như trong thực tiễn chỉ đạo điều hành.
Trong phần phát biểu đề dẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nêu rõ, trong điều kiện trình độ phát triển tại nhiều vùng miền còn khác nhau, đòi hỏi chiến lược riêng về công nghiệp 4.0, với lộ trình cụ thể. Trong đó cần ưu tiên có chiến lược chuyển đổi số quốc gia, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế số với động lực chính từ khu vực tư nhân, hình thành đồng bộ hạ tầng số quốc gia
Làm rõ những vấn đề trong chuyển đổi số
Tham gia với tư cách là diễn giả mở màn phần thảo luận, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đại Dương đã có tham luận nêu rõ, nhiều nước trên thế giới, trong đó có các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan đều có các chương trình, kế hoạch để chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó, họ chọn cách tiếp cận việc xây dựng chính sách để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, số hóa dịch vụ. Cùng với đó là xây dựng các trung tâm thử nghiệm và triển khai các thành quả của cách mạng công nghiệp 4.0 - đây cũng chính là nơi kết nối doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học. Đồng thời, việc xây dựng hành lang pháp lý cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng được các nước đặc biệt coi trọng. Với Việt Nam, cần phải làm gì? Theo Thứ trưởng Phạm Đại Dương, chúng ta nên chọn những lĩnh vực, ngành nghề có thế mạnh; thứ hai cần xây dựng chiến lược hợp tác với các quốc gia trong khu vực, các tổ chức quốc tế. Về phía các doanh nghiệp, ông Phạm Đại Dương cũng nêu rõ, các doanh nghiệp trong nước cũng đã nhận thấy cần phải thay đổi, nhất là sau khi bài học từ việc các hãng công nghệ dù không có phương tiện nhưng vẫn kinh doanh dịch vụ vận chuyển, khiến các doanh nghiệp kinh doanh taxi truyền thống nhận thấy phải thay đổi cách quản lý quản trị và đặc biệt đầu tư mạnh cho công nghệ hiện đại để cạnh tranh…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm gian trưng bày của VNPT và nghe lãnh đạo Tập đoàn thuyết trình về Smart City. |
Cùng quan điểm, ông Huỳnh Quang Liêm - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT có tham luận về quá trình chuyển đổi số. Theo đó, quá trình chuyển đổi số gồm 3 bước: Nhận thức được tầm ảnh hưởng của công nghệ số (đối với xã hội, trong chiến lược phát triển…); nắm bắt được cơ hội và tận dụng tối đa sự thay đổi (của công nghệ số và sự tác động đến xã hội); chuyển đổi số nhanh nhạy và sâu sắc (với nghiệp vụ, chính sách, quy trình, năng lực). Tuy nhiên, theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT, có 5 vấn đề cần làm rõ trong việc thực hiện chuyển đổi số. Đó là: Chiến lược, kế hoạch và lộ trình chuyển đổi số có hay chưa; sự sẵn sàng về nguồn lực và kỹ năng; sự ủng hộ và tham gia của người dân; sự sẵn sàng thay đổi văn hóa làm việc, thích nghi; sự sẵn sàng, thay đổi của các giải pháp phi công nghệ trong chuyển đổi số.
Cũng theo ông Huỳnh Quang Liêm, hiện hạ tầng mạng băng rộng (gồm cả cố định và di động) đã sẵn sàng để đáp ứng số lượng kết nối đang gia tăng rất cao. Ước tính hiện có 20 tỷ thiết bị kết nối trên toàn cầu vào internet gồm cả máy tính và smartphone. Dự kiến sẽ có 50-100 tỷ thiết bị kết nối vào internet vào năm 2050. Hơn nữa, hạ tầng chính phủ điện tử, số hóa dữ liệu đã, đang dần hoàn thiện. Đặc biệt, Đảng, Chính phủ đã khẳng định tầm quan trọng của chuyển đổi số với việc xây dựng chính quyền điện tử và có nhiều quyết định quan trọng thúc đẩy ngành phát triển… Đó là cơ hội lớn để đất nước thực hiện chuyển đổi số.
Với vai trò là nhà cung cấp hạ tầng dịch vụ viễn thông - công nghệ thông tin lớn nhất, Tập đoàn VNPT đã triển khai nhiều nhiệm vụ để sẵn sàng cho chuyển đổi số. Đó là, VNPT đã triển khai nền tảng thu thập, lưu trữ, phân tích và chia sẻ dữ liệu; xây dựng hạ tầng thông tin an toàn, bảo mật; nền tảng đám mây cung cấp dịch vụ máy chủ ảo… Đặc biệt là triển khai các nền tảng, giải pháp đô thị thông minh, chính quyền số để phục vụ người dân, doanh nghiệp, chính quyền và các tổ chức xã hội.
Ngoài phiên thảo luận sáng, chiều ngày 5-12, còn có 3 chuyên đề thảo luận về: Đổi mới các ngành sản xuất với các công nghệ đột phá - Xu hướng và giải pháp; Thúc đẩy phát triển thương mại dịch vụ trong kỷ nguyên số; Tầm nhìn và chiến lược xây dựng đô thị thông minh. Trước đó, vào đầu giờ sáng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đã cắt băng khai mạc Triển lãm quốc tế về phát triển công nghiệp thông minh. |