Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Thành ủy Hà Nội họp giao ban cuối năm

Chính trị - Ngày đăng : 14:31, 05/12/2017

(HNMO) - Chiều nay (5-12), Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Thành ủy Hà Nội tổ chức họp giao ban cuối năm để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp năm 2017, phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm năm 2018.

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo CCTP Thành ủy chủ trì cuộc họp.


Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng chủ trì cuộc họp.


Tới dự cuộc họp, về phía trung ương có đồng chí Trịnh Xuân Toản, Ủy viên chuyên trách, Chánh Văn phòng Ban Cải cách tư pháp trung ương. Về phía Hà Nội có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Nguyễn Quang Huy, Trưởng ban Nội chính Thành ủy; Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố; cùng các đồng chí lãnh đạo đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, Ban Pháp chế HĐND thành phố và các thành viên Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Thành ủy…


Năm 2017: Ngành Tư pháp Hà Nội có chuyển biến tích cực

Theo dự thảo, Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp năm 2017 có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật phục vụ cho công tác tư pháp, hỗ trợ tư pháp thực hiện hiệu quả; tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức hệ thống các cơ quan tư pháp; tăng cường giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao phẩm chất chính trị và năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động các cơ quan tư pháp; đẩy mạnh việc cải cách hành chính, tăng cường công tác phối hợp nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp. Những vấn đề này thể hiện ở công tác giải quyết đơn thư tố giác, tin báo về tội phạm đã được Công an thành phố tiếp nhận, xác minh và xử lý như: Năm 2017, giải quyết được hơn 14.000 tin (tăng 10,6% so với năm 2016); xác minh được hơn 12.800 đơn…

Về công tác bắt, tạm giữ, tạm giam: Năm 2017, tổng số bắt giữ là 8.689 đối tượng, Công an TP đã thực hiện nghiêm túc công tác chấp hành pháp luật tại các cơ sở giam giữ, tiếp tục triển khai có hiệu quả các quy trình công tác kiểm tra, kiểm soát buồng giam, giám sát phạm nhân… VSKND hai cấp đã kiểm soát chặt chẽ các trường hợp bắt tạm giữ hình sự, bảo đảm việc phân loại xử lý có căn cứ, đúng pháp luật…; phối hợp với cơ quan điều tra (CQĐT) phân loại 7.799 đối tượng bị bắt giữ, chuyển xử lý hành chính 4 người, trả tự do không xử lý hành chính 9 người, khởi tố hình sự 7.215 người, đạt tỉ lệ 99,3%.

Về công tác điều tra và công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố các vụ án hình sự, CQĐT và VKSND hai cấp đã thụ lý điều tra, thực hành quyền công tố, điều tra 8.187 vụ/12.798 bị can, trong đó án trong năm 2016 chuyển sang là 1.031 vụ/1.794 bị can; hiện đã kết thúc điều tra 6.680 vụ/10.936 bị can, đạt 81,6% tổng số vụ đã thụ lý.

Về công tác xét xử và công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc xét xử các vụ án: TAND hai cấp TP đã thụ lý tổng số loại án là 30.777 vụ (tăng 7% so với năm 2016), đã giải quyết 27.755 vụ, trong đó tạm đình chỉ 899 vụ án, quá hạn 157 vụ…

Về công tác thi hành án hình sự, dân sự, kiểm sát thi hành án hình sự: TAND hai cấp đã ra 10.319 quyết định thi hành án hình sự, tổ chức thi hành án tử hình đối với các trường hợp đủ điều kiện bảo đảm an toàn đúng pháp luật; giảm một phần thời hạn chấp hành hình phạt tù cho 3.634 phạm nhân cải tạo tốt theo đề nghị của các trại giam và VKS cùng cấp trên địa bàn TP Hà Nội nhân dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, dịp 30-4, 1-5 và Quốc khánh 2-9; lập hồ sơ đề nghị đặc xá đối với 22 trường hợp, được xét 19 trường hợp…

Công tác cải cách tư pháp năm 2017 đã góp phần tích cực trong thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định an ninh, trật tự, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

Dự thảo Báo cáo cũng đề xuất những nhiệm vụ trọng tâm năm 2018: Tiếp tục quán triệt, thực hiện Chương trình số 03-Ctr/BCĐCCTPTW ngày 06-10-2016 của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp (CCTP) Trung ương về “Trọng tâm công tác CCTP nhiệm kỳ 2016 – 2021”; tiếp tục thực hiện tốt phương thức lãnh đạo của Đảng bằng chủ trương định hướng, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, phân công cán bộ và tăng cường công tác giám sát, kiểm tra; tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết về phòng, chống tội phạm và nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan tư pháp, trong đó cần tăng cường phối hợp giữa cơ quan trong công tác đấu tranh trấn áp các loại tội phạm; tiếp tục rà soát, nghiên cứu đề xuất xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy, pháp luật phục vụ công tác tư pháp, bổ trợ tư pháp; Ban Chỉ đạo CCTP Thành ủy, cấp ủy các cơ quan tư pháp, cơ quan tổ chức có liên quan chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp bổ trợ tư pháp, bảo đảm pháp luật được thực thi nghiêm minh; thực hiện tốt công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng trong cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp; tiếp tục rà soát, kiện toàn bộ máy, tổ chức các cơ quan tư pháp từ TP đến các quận, huyện, thị xã; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện có hiệu quả “Quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc các cơ quan tư pháp TP Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”…

Tại hội nghị, ghi nhận những đóng góp tích cực vào bản dự thảo báo cáo của đại diện Công an TP Hà Nội, Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội, Tòa án Nhân dân Hà Nội… đặc biệt là ý kiến của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn và Chánh Văn phòng Ban cải cách tư pháp Trung ương Trịnh Xuân Toản.


Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu kết luận hội nghị.


Đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2018

Kết luận hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá cao những kết quả đạt được của Ban Chỉ đạo CCTP. Phó Bí Thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cũng nhận định năm 2018, dự báo bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, thời cơ, thách thức đan xen; nhiều bộ luật về tư pháp có hiệu lực tạo cơ sở pháp lý quan trọng để ngành Tư pháp triển khai nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu các cấp, các ngành tập trung đồng bộ, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để làm tốt các nhóm nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là các bộ luật mới có hiệu lực (Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Điều tra hình sự, Luật Tạm giữ, tạm giam), nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về chấp hành pháp luật nói chung, các bộ luật về tư pháp nói riêng. 

Thứ hai, đẩy mạnh công tác điều tra, truy tố, xét xử, công tác thi hành án đảm bảo kế hoạch công tác đã đề ra: tập trung điều tra, truy tố, xét xử án điểm, án lưu động phục vụ yêu cầu chính trị địa phương và răn đe, phòng ngừa tội phạm. Đẩy mạnh thực hiện chỉ tiêu giải quyết vụ án dân sự, hành chính, lao động; khắc phục tình trạng án quá hạn, bị hủy, bị sửa do lỗi chủ quan của hội đồng xét xử. 

Thứ ba, đối với công tác thi hành án dân sự: Đề nghị đồng chí Trưởng ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự thành phố chú trọng chỉ đạo công tác thi hành án dân sự, nâng cao chất lượng công tác thi hành án dân sự, nhất là sự phối hợp tích cực của các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã; cơ quan thi hành án dân sự tập trung phấn đấu thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu thi hành án dân sự, thi hành án hành chính được Quốc hội giao, có biện pháp huy động lực lượng, chủ động phối hợp với các cơ quan công an, tòa án, viện kiểm sát tập trung giải quyết án ở những địa bàn có án tồn...

Thứ tư, nâng cao chất lượng hoạt động cơ quan bổ trợ tư pháp, trong đó tập trung vào thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp. Mở rộng các nguồn đầu tư, đồng thời cần nâng cao tính chuyên nghiệp, thuận tiện, nhanh chóng.

Thứ năm, thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp; bồi dưỡng kiến thức quản lý, nghiệp vụ chuyên sâu, lý luận chính trị, nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch vững mạnh, đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới; tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17/4/2015 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức.

Thứ sáu, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả “Quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc các cơ quan tư pháp thành phố Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”. Quan tâm hỗ trợ kinh phí cho hoạt động các cơ quan tư pháp; đề nghị UBND thành phố quan tâm chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng trụ sở đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. 

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhận định, nhiệm vụ năm 2018 rất nặng nề, đề nghị các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo CCTP phát huy tinh thần, trách nhiệm, kết quả, kinh nghiệm, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, ngành mình công tác và phân công nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo xây dựng kế hoạch và phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác năm 2018.

Hoàng Vũ - Ảnh: Bá Hoạt