Cần hài hòa và bình đẳng

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:53, 06/12/2017

(HNM) - Y tế tư nhân là một phần không thể thiếu của xã hội; là sự phát triển tất yếu theo xu thế chung của thế giới. Trong nước, hệ thống y tế tư nhân được khẳng định đã phát triển một bước, mang lại nhiều tiện lợi và lựa chọn cho người dân...


Không phải bây giờ tầm quan trọng của y tế tư nhân mới được xã hội nhìn nhận. Từ năm 1997, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 90-CP về phương hướng và chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa. Theo đó, y tế được đẩy mạnh xã hội hóa để mở rộng các nguồn đầu tư, khai thác tiềm năng về nhân lực, vật lực và tài lực trong xã hội. Phát huy và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nhân dân, tạo điều kiện cho các hoạt động y tế phát triển nhanh hơn, có chất lượng cao hơn là chính sách lâu dài, phương châm của Đảng và Nhà nước. Nghị quyết nhấn mạnh, đây không phải là biện pháp tạm thời, chỉ có ý nghĩa tình thế do Nhà nước thiếu kinh phí, mà ngay cả khi nhân dân có mức thu nhập cao, ngân sách nhà nước dồi dào vẫn phải thực hiện xã hội hóa, bởi y tế là sự nghiệp lâu dài của nhân dân, sẽ phát triển không ngừng với nguồn lực to lớn của toàn dân.

Y tế tư nhân là lĩnh vực đầy khó khăn bởi đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn và mạo hiểm vì không ít rủi ro có thể xảy ra. Thời gian qua nhiều người đầu tư vào bệnh viện, phòng khám tư… nhưng ít tạo ra sự bứt phá. Những rào cản, khó khăn của y tế tư nhân đã được bàn thảo nhiều, nhưng cơ quan chức năng chưa có hướng tháo gỡ hiệu quả và y tế tư nhân vẫn loay hoay tự tìm lối ra.

Không khó để thấy điều nổi trội, đậm nét nhất ngăn cách giữa hệ thống y tế công - tư hiện nay là sự bất bình đẳng. Trong khi y tế công được chăm chút như “con đẻ” với mọi ưu ái, thì y tế tư ít nhiều như “con ghẻ” phải tự "bơi" trong áp lực nhiều phía: Từ vốn, cơ chế, chính sách đến cả chuyên môn… Thực tiễn này đã làm nản lòng không ít người tâm huyết với y tế tư nhân.

Làm gì để y tế tư nhân có điều kiện phát triển bình đẳng với bệnh viện công?

Đầu tiên, cần thay đổi quan điểm coi bệnh viện công là đơn vị làm nhiệm vụ chính trị, xã hội, còn bệnh viện tư là doanh nghiệp. Đây là những đơn vị có chuyên môn nghiệp vụ như nhau, cùng chịu sự điều chỉnh của hệ thống pháp luật. Phải coi việc xã hội hóa không có nghĩa là giảm nhẹ trách nhiệm của Nhà nước, trái lại, Nhà nước thường xuyên tìm thêm các nguồn thu để tăng tỷ lệ ngân sách chi cho các hoạt động này, đồng thời quản lý tốt để nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn kinh phí đó - như chính Nghị quyết 90-CP đề cập.

20 năm triển khai công tác xã hội hóa y tế là chặng đường khá dài, phần nào đã rõ những ưu, nhược điểm trong quá trình thực hiện. Đã đến lúc chúng ta phải đánh giá, tổng kết về hoạt động này để nhìn ra hiệu quả và hạn chế, từ đó tìm giải pháp. Với hàng loạt bất cập bắt nguồn từ chính quy định của một số văn bản pháp luật mà Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam đã chỉ ra, Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và những cơ quan liên quan cần xem xét để xóa bỏ những bất lợi này cho y tế tư nhân, nhằm bảo đảm y tế công - tư phát triển hài hòa trong môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Và một điều rất quan trọng, đó là cơ sở y tế tư nhân phải tự khẳng định chất lượng, uy tín. Khi triệt tiêu được tình trạng lạm dụng và những trò “lố” trong khám, chữa bệnh thì y tế tư nhân sẽ có thêm sức mạnh, phát triển bền vững theo đúng định hướng mà Đảng và Nhà nước đề ra.

Minh Thúy