Một ngày đi buýt đường sông
Đời sống - Ngày đăng : 06:46, 06/12/2017
Tàu buýt đi trên sông Sài Gòn tạo nên khung cảnh đẹp và hiện đại. |
Cảm nhận một thành phố thơ mộng, hiền hòa
Khu vực bến Bạch Đằng (quận 1) rộng khoảng 5.000m2, đang được chủ đầu tư xây dựng các dịch vụ nhà chờ, nhà giữ xe, quán ăn uống, phục vụ du khách. Một cảm giác thật thú vị, bất ngờ khi hôm nay chúng tôi là những vị khách đầu tiên trong ngày tham gia hành trình trải nghiệm tàu buýt. Khoảng 7h sáng, hành khách được thông báo lên tàu, ai nấy đều rất hào hứng. Tàu có thiết kế dạng cánh ngầm trước mũi, dài gần 20m, với màu vàng chủ đạo, được trang trí hệ thống đèn, còi hiệu, điều hòa, báo cháy... đầy đủ. Trong khoang tàu khách rộng rãi được chia làm hai dãy, mỗi dãy xếp thành ba hàng ghế dọc có thể đáp ứng tối đa 80 chỗ ngồi. Điều đặc biệt, trên mỗi tàu buýt này, ngoài việc trang bị áo phao được gắn sẵn dưới mỗi ghế ngồi, thì trên nóc tàu cũng được trang bị những chiếc thuyền phao loại nhỏ đề phòng khi có sự cố. Toàn tuyến buýt đường sông số 1 hiện có 5 tàu, trong đó có 4 tàu vận chuyển hằng ngày và 1 tàu dự bị.
Đúng 7h30 phút, con tàu buýt được thuyền trưởng Đỗ Thanh Liêm điều khiển rời bến hướng về bến Bình An (quận 2). Nhiều hành khách rất thích thú khi lần đầu tiên được trải nghiệm đường sông ngay giữa trung tâm TP Hồ Chí Minh và lập tức ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ cùng bạn bè, người thân. Bà Lê Thị Ngát (65 tuổi, nhà ở quận 7) cùng 5 người bạn đã phải chờ đợi nhiều ngày nay mới có thể tận hưởng cảm giác tuyệt vời này. “Đây là lần đầu tiên các bác được đi du ngoạn trên sông Sài Gòn bằng con tàu này”, bà Ngát chia sẻ. Cũng theo bà Ngát, việc di chuyển trên sông Sài Gòn quả là thú vị bởi từ quận 1 đi qua quận 2, Bình Thạnh và Thủ Đức đều có thể ngắm nhìn những ngôi nhà cao tầng nằm san sát nhau, dọc bờ sông cũng có những khu vực được cải tạo thành những công viên đẹp đẽ, vào dịp thời tiết đang chuyển mùa, không khí se lạnh vào sáng sớm, rất thuận lợi cho người dân đi thư giãn...
Trên chuyến tàu buýt, anh Thomas Lindelof (quốc tịch Đức) thích thú nói: “Tôi đã đi thuyền ở vùng sông nước ở Đồng bằng sông Cửu Long, đi tàu cao tốc ở Hạ Long, nhưng đi tàu buýt trên sông ngay giữa lòng TP Hồ Chí Minh là lần đầu. Quả thật rất tuyệt, bởi sông Sài Gòn rất rộng lớn, nước mênh mông, cảnh vật hai bên bờ sông vừa có nét đẹp của sự hiện đại, phát triển, vừa giữ được nét hoang sơ”.
Cùng chung tâm trạng phấn khởi, chị Trần Thị Hướng (ngụ ở phường Linh Đông, Thủ Đức) cho hay, hằng ngày phải đi làm bằng xe gắn máy từ Thủ Đức lên quận 1 gần cả tiếng đồng hồ vì kẹt xe thường xuyên, nay đi lại bằng đường sông không chỉ nhanh hơn đường bộ mà còn an toàn, thuận tiện hơn. Đặc biệt, việc được di chuyển trên sông nước vừa có dịp ngắm cảnh, hít thở không khí trong lành, khoang ngồi rộng rãi, lại có máy lạnh…, cũng giúp cho tâm trạng thoải mái hơn trước khi bắt đầu công việc.
Trong khoang ca bin tàu, thuyền trưởng Đỗ Thanh Liêm cho biết, mỗi ngày, trung bình một tàu buýt đi lại 6 chuyến (cả đi và về), bắt đầu chạy từ 7h30 đến 18h. “Hiện nay, khó khăn lớn nhất khi lái buýt đường sông là tình trạng ngập bèo và rác trên sông, ảnh hưởng đến an toàn chạy tàu, bởi nếu không cẩn thận thì lượng bèo và rác này sẽ cuốn vào chân vịt tàu, làm ngắt máy khi đang chạy…”, thuyền trưởng Liêm chỉ về phía trước và nói.
Hoàn thiện và mở rộng mô hình
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật (chủ đầu tư) kể rằng, mất rất nhiều năm theo đuổi “giấc mơ” xây dựng loại hình vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy hoạt động dọc sông Sài Gòn, công ty của ông mới được cấp phép triển khai. “Chúng tôi quyết tâm theo đuổi, bởi nhìn thấy sự quá tải về đường bộ, trong khi loại hình du lịch sông nước tại TP Hồ Chí Minh đang bị lãng phí do chưa được khai thác đúng với tiềm năng và lợi thế sẵn có” - ông Toản chia sẻ.
Để tuyến buýt đường sông hoạt động hiệu quả, Sở Giao thông - Vận tải vừa đề xuất UBND TP Hồ Chí Minh cho thí điểm hoạt động loại hình xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện kết nối với các bến thủy dọc tuyến buýt sông số 1, nhằm tạo thuận lợi cho du khách và người dân thành phố di chuyển giữa các loại hình vận tải. Loại xe này sẽ chở khách du lịch và người dân từ các bến tàu đến các khách sạn, điểm du lịch tiêu biểu và các khu dân cư trên địa bàn thành phố như: Khách sạn New World, Sheraton, Rex, Majestic; Chợ Bến Thành; Nhà hát thành phố… Đơn vị chủ đầu tư sẽ đưa vào sử dụng loại xe từ 8 đến 14 chỗ ngồi, với 10 xe hoạt động từ 5h sáng đến 22h tối hằng ngày.
Ngoài ra, hiện nay, tại 5 bến tàu thủy đã hoàn thiện và đi vào hoạt động phục vụ tuyến buýt sông số 1 (trong tổng số 12 bến trên toàn tuyến) gồm: Bạch Đằng, Bình An, Thanh Đa, Hiệp Bình Chánh và Linh Đông, các tuyến xe buýt cũng được triển khai đến tận bến tàu để đưa đón khách. Tại mỗi bến đều được bố trí lực lượng bảo vệ, hướng dẫn viên và nhân viên bán vé, tận tình phục vụ và hướng dẫn hành khách đi lại, tạo cảm giác an tâm cho mỗi người.
Theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh, đầu năm 2018, sở, ngành cùng chính quyền địa phương liên quan sẽ tiếp tục phối hợp với chủ đầu tư triển khai hoạt động tuyến buýt đường sông số 2 (quận 1 đi quận 8) dài hơn 10km, với mục tiêu đẩy mạnh phát triển, đa dạng hóa các loại hình vận tải hướng người dân đi lại bằng phương tiện công cộng, đồng thời, thúc đẩy phát triển du lịch đường thủy thành phố.
TP Hồ Chí Minh có mạng lưới giao thông đường thủy khá phát triển, với tổng chiều dài có khả năng khai thác trên 1.000km, trong đó, có 975km đã được đưa vào quy hoạch và tổ chức quản lý gồm: 7 tuyến/157km là tuyến hàng hải; 9 tuyến/203km là tuyến đường thủy nội địa quốc gia và 94 tuyến/612km là đường thủy nội địa địa phương và 2 tuyến chuyên dùng. |