Gỡ khó cho hoạt động thanh tra, giám sát
Đời sống - Ngày đăng : 10:56, 06/12/2017
Hiệu quả thiết thực
Trưởng ban Thanh tra nhân dân phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) Hy Đa Trương cho biết: Một trong những thành tích tiêu biểu của Ban Thanh tra nhân dân phường là đã lắng nghe và tiếp thu ý kiến phản ánh của người dân, từ đó kịp thời phát hiện, kiến nghị với chính quyền thu hồi 18.000m2 đất đầm do một số hộ dân san lấp lấn chiếm.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Sóc Sơn Đinh Quang Minh khẳng định, kết quả nổi bật của công tác giám sát đầu tư của cộng đồng được thể hiện rõ ở 3 xã thuộc khu vực bãi rác Nam Sơn là: Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ. Sau khi 3 xã này thành lập Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã thực hiện giám sát thường xuyên quy trình xử lý và xả thải tại khu vực bãi rác, tình trạng ô nhiễm môi trường được cải thiện rõ rệt.
Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tại cấp phường, xã, thị trấn được coi là kênh chống tiêu cực, tham nhũng, phát huy quyền làm chủ, tham gia quản lý xã hội của người dân. Từ đầu năm 2017 đến nay, thông qua hoạt động, 5.203 ban Thanh tra nhân dân trên địa bàn thành phố đã giám sát được 6.885 vụ việc, phát hiện 2.193 vụ vi phạm, kiến nghị và được chính quyền giải quyết 1.985 vụ việc. Nội dung giám sát chủ yếu là việc thực hiện chế độ chính sách đối với người có công, đối tượng khó khăn và hộ nghèo; việc thu, chi các loại quỹ do nhân dân đóng góp; việc quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Còn các ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã giám sát 3.462 công trình, dự án, phát hiện 267 vụ vi phạm, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời 243 vụ. Thông qua hoạt động, các ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã kiến nghị với các cơ quan chức năng thu hồi hàng nghìn mét vuông đất và hàng tỷ đồng; góp phần ngăn ngừa nhiều sai phạm trong quá trình triển khai các dự án đầu tư ở địa phương.
Kiện toàn nguồn nhân lực bảo đảm chất lượng
Dù đạt được những kết quả nhất định, nhưng thực tế hoạt động cho thấy, lực lượng này còn gặp nhiều khó khăn. Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Cống Vị (quận Ba Đình) Nguyễn Ngọc Hạc phản ánh: Hoạt động giám sát mới chỉ tập trung vào các dự án đầu tư, các công trình phúc lợi của địa phương; việc tiếp cận để thực hiện giám sát các dự án do thành phố hoặc quận làm chủ đầu tư còn hạn chế.
Trưởng ban Thanh tra nhân dân phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) Hy Đa Trương cho biết: “Việc xử lý, giải quyết các kiến nghị của chúng tôi nhiều khi còn chậm hoặc chưa được thực hiện, nhất là về chính sách đền bù giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… làm giảm hiệu quả tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư và lòng nhiệt tình của thành viên”.
Chưa kể, Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng là tổ chức hoạt động tự nguyện, các thành viên chủ yếu cao tuổi, không có phụ cấp, nhưng luôn đối mặt với những tiêu cực. Vì vậy, rất cần sự phối hợp, hỗ trợ của các cấp và nhất là nhân dân để các thành viên hoạt động hiệu quả hơn.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm Trưởng ban Thanh tra nhân dân phường Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm), ông Nguyễn Bá Vinh cho rằng, ngoài việc các thành viên trong Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng phải nắm vững các quy định của Luật Thanh tra thì cần có cơ chế rõ ràng để hoạt động thanh tra, giám sát bảo đảm tính pháp lý cao, những kiến nghị đúng phải được các cấp thực hiện.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) Nguyễn Xuân Long chia sẻ: “Địa phương chúng tôi đang xây dựng nông thôn mới, các công trình thi công đều áp dụng công nghệ mới trong khi thành viên các ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng chủ yếu là người cao tuổi, trình độ hạn chế nên khó phát hiện sai sót”.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Bùi Anh Tuấn khẳng định: Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác thanh tra, giám sát, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố sẽ kiện toàn nguồn nhân lực theo hướng tăng về số lượng và bảo đảm chất lượng. Một mặt, các địa phương tiếp tục rà soát, vận động những người nhiệt tình, có trình độ tham gia; mặt khác, các ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng phải xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động trong từng năm, từng quý.
Trên cơ sở này, địa phương xây dựng phương án tài chính để triển khai thực hiện. Bên cạnh sự nỗ lực của mỗi địa phương, rất cần sự vào cuộc của MTTQ các cấp. Cụ thể là, tổ chức tập huấn nghiệp vụ, nâng cao kỹ năng tuyên truyền, thanh tra, giám sát cũng như định hướng những nội dung trọng tâm... để hoạt động của các ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tiếp tục đi vào chiều sâu, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng.