Khó truy xuất nguồn gốc sản phẩm động vật

Kinh tế - Ngày đăng : 07:11, 06/12/2017

(HNM) - Hà Nội là thị trường tiêu thụ sản phẩm động vật nhập từ các tỉnh với lượng khá lớn. Tuy nhiên, việc bãi bỏ kiểm dịch nội tỉnh khiến truy xuất nguồn gốc còn nhiều gian nan, khó khăn. Lực lượng thanh tra, kiểm tra "mỏng" cũng dẫn đến việc kiểm soát sản phẩm động vật chưa hiệu quả, nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn hiện hữu...


Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, từ đầu năm đến nay, các ngành chức năng đã phối hợp với các quận, huyện, thị xã thực hiện tiêu hủy 259 trường hợp động vật và sản phẩm động vật không đủ điều kiện lưu thông. Dù đã tăng cường kiểm tra, giám sát nhưng quá trình triển khai trên thực tế vẫn còn nhiều bất cập. Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho biết: Hiện toàn thành phố có 1.047 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ, rải rác trong khu dân cư nên rất khó kiểm soát chất lượng. Hơn nữa, sau hơn một năm thực hiện Luật Thú y, bãi bỏ kiểm dịch nội tỉnh khiến lượng lớn sản phẩm động vật bán tại các chợ dân sinh trở nên khó kiểm soát, nguy cơ mất an toàn cao. Trong khi đó, mức xử phạt vi phạm hành chính còn thấp, chưa đủ sức răn đe, ý thức chấp hành quy định của người sản xuất, kinh doanh chưa cao nên vi phạm vẫn nhiều, tình trạng trà trộn sản phẩm kém chất lượng vẫn xảy ra.

Theo ông Lê Trung Kiên, Phó Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành (Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội), chỉ sản phẩm thịt ở các cửa hàng, bếp ăn tập thể là tương đối bảo đảm, do có nguồn gốc xuất xứ. Còn việc kiểm tra công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối chưa nền nếp; tiểu thương vẫn nhập thịt ở các lò mổ không rõ nguồn gốc. Đặc biệt, việc kiểm tra an toàn thực phẩm tại các cơ sở, hộ kinh doanh giết mổ, sơ chế nhỏ lẻ (hiện do địa phương quản lý) còn hạn chế.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Ngô Vi Khả cho biết: Huyện chưa hình thành được chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ; số lượng cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản tuy nhiều nhưng 90% do cấp xã, thị trấn quản lý, quy mô nhỏ lẻ, lại rải rác trong khu dân cư nên không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận an toàn. Điều này gây khó khăn cho các ngành chức năng trong kiểm soát.

Từ nay đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất, nhu cầu sử dụng thực phẩm có thể tăng cao. Để công tác kiểm soát sản phẩm động vật đạt hiệu quả, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho rằng, chính quyền địa phương cần tuyên truyền cho người dân phát triển chăn nuôi theo quy hoạch; chăn nuôi cần gắn với giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm theo mô hình liên kết chuỗi, bảo đảm truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm động vật khi lưu thông. Đối với chợ đầu mối, Ban quản lý chợ kiểm soát chặt chẽ việc đăng ký kinh doanh của tiểu thương và yêu cầu ký cam kết không bán hàng kém chất lượng. Nếu phát hiện vi phạm, cần xử lý nghiêm theo pháp luật hoặc thanh lý hợp đồng...

Hà Nội đang phối hợp với các tỉnh, thành phố phía Bắc để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn thành phố. Vì vậy, hai bên cần tăng cường trao đổi thông tin để kiểm soát cơ sở sản xuất, giết mổ động vật; đồng thời, áp dụng chế tài xử phạt nghiêm minh đối với những đơn vị vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm. Các quận, huyện, thị xã cần tăng cường tuyên truyền về Luật Thú y và Luật An toàn thực phẩm. Qua đó, nâng cao nhận thức và tính tự giác của những người tham gia sản xuất, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp... nhằm giảm những nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng.

Ngọc Quỳnh