Ứng dụng khoa học trong nuôi trồng thủy sản

Kinh tế - Ngày đăng : 07:25, 06/12/2017

(HNM) - Nhằm phát huy tiềm năng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố, những năm qua, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã xây dựng thành công nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng hiện đại, an toàn về chất lượng. Bước đầu, các mô hình cho kết quả tốt, hiệu quả kinh tế cao, được nông dân hưởng ứng.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện toàn thành phố có hơn 30.000ha giàu tiềm năng nuôi trồng thủy sản. Năm 2017, đã có khoảng 21.000ha được đưa vào nuôi trồng với sự tham gia của 18.000 hộ, 23 hợp tác xã, 17 cơ sở sản xuất giống thủy sản, đạt năng suất hơn 110.000 tấn thủy sản các loại. Tuy nhiên, nuôi trồng thủy sản Hà Nội vẫn chưa phát huy được tiềm năng vốn có...


Đơn cử ở Quốc Oai, là huyện có nhiều diện tích sản xuất nằm trong vùng trũng. Những năm qua, Quốc Oai đã khai thác lợi thế này để nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là các loại cá có giá trị cao như: trắm đen, chép… Hiện toàn huyện có hơn 300ha nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, việc nuôi thả cá nói riêng và nghề nuôi trồng thủy sản ở huyện Quốc Oai nói chung vẫn mang tính truyền thống, chưa ứng dụng khoa học vào nuôi trồng thủy sản.

Trưởng phòng Chăn nuôi, thủy sản (Trung tâm Khuyến nông Hà Nội) Nguyễn Hồng Sơn cho biết: Nhằm thay đổi tư duy trong nuôi trồng thủy sản cho nông dân Quốc Oai nói riêng và các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố nói chung, năm 2017, trung tâm đã triển khai mô hình ứng dụng công nghệ vi sinh trong nuôi trồng thủy sản. Mô hình sử dụng chế phẩm sinh học chứa chủng vi khuẩn có thành phần Bacillus subtilis vừa giúp cải thiện môi trường ao nuôi vừa tạo nguồn thức ăn tự nhiên, góp phần tái sử dụng dinh dưỡng từ chất thải của động vật thủy sản, nhờ đó giảm lượng thức ăn cho cá, hạn chế tối đa sử dụng thuốc, hóa chất xử lý môi trường, ngăn ngừa triệt để việc lưu lại dư lượng kháng sinh trên sản phẩm động vật, thủy sản. Phương pháp nuôi này không những mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, mô hình yêu cầu phải sử dụng công nghệ máy quạt nước trong các ao nuôi nhằm làm tăng hàm lượng oxy trong ao, giúp cho cá nuôi ổn định thể chất do được cung cấp oxy hòa tan trong ao nuôi. Mô hình được thực hiện tại 4 huyện: Ứng Hòa, Thanh Trì, Sóc Sơn và Quốc Oai với quy mô 10ha với 24 hộ tham gia. Mô hình được hỗ trợ 100% cá giống rô phi đơn tính, 30% thức ăn, 60kg chế phẩm sinh học và tập huấn kỹ thuật.

Là một trong những hộ tham gia mô hình do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai, anh Nguyễn Tuấn Văn ở xã Sài Sơn (Quốc Oai) chia sẻ: Với nguồn cá giống rô phi đơn tính được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ và hướng dẫn nuôi trồng theo phương thức mới, đến nay, 100% đàn cá phát triển tốt, trung bình mỗi con có trọng lượng hơn 800gam, dự kiến thu hoạch trong dịp tháng 1-2018 tới. “Trước đây, tôi nuôi cá thường hay mắc bệnh phình ruột nhưng với ứng dụng mới, cá hoàn toàn khỏe mạnh, sinh trưởng và phát triển tốt. Đặc biệt, sản phẩm cá bảo đảm chất lượng an toàn” - anh Văn cho biết.

Ngoài mô hình trên, trong năm 2017, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội còn triển khai một số mô hình khác, như: Nuôi thủy sản theo hướng an toàn sinh học; nuôi cá rô phi giống mới Đường Thành tại nhiều huyện trên địa bàn thành phố. Kết quả bước đầu cho thấy, các mô hình đã góp phần giảm thiểu sử dụng chất kháng sinh, hóa chất trong phòng trị bệnh, giảm ô nhiễm môi trường, tạo sản phẩm an toàn, giảm chi phí sản xuất.

Các mô hình cho năng suất trung bình đạt khoảng 20 tấn/ha, tăng khoảng 5 tấn/ha và tăng hiệu quả kinh tế cho người nuôi trên 30% so với các biện pháp nuôi thông thường. Đặc biệt, với việc hạn chế sử dụng hóa chất và thuốc kháng sinh trong quá trình nuôi sẽ tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, nâng cao giá trị và hướng sản phẩm thủy sản đến xuất khẩu, mở rộng "đầu ra" cho ngành thủy sản Hà Nội. Ngoài ra, các mô hình còn tạo vùng nuôi điển hình, là địa chỉ để các nơi tham quan, học tập, nhân rộng phương thức sản xuất tiên tiến, thúc đẩy thủy sản phát triển bền vững, hiệu quả.

Đỗ Minh