Quốc hội thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Dầu khí (sửa đổi)
Đời sống - Ngày đăng : 17:02, 25/10/2022
Cân nhắc thẩm quyền phê duyệt hợp đồng dầu khí
Ông Vũ Hồng Thanh cho biết, dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) đã được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV và đã nhận được sự quan tâm thảo luận, góp ý hết sức tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và cơ quan của Quốc hội. So với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba, dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 11 chương và 69 điều.
Về tên gọi của dự thảo luật, tên gọi là “Luật Dầu khí” đã được sử dụng thống nhất trong thực tiễn hoạt động dầu khí từ khi luật điều chỉnh về hoạt động dầu khí thượng nguồn được ban hành năm 1993 cho tới nay và được ghi nhận tại các hợp đồng dầu khí ký kết. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị được giữ tên gọi này, bảo đảm tính kế thừa, ổn định, liên tục của pháp luật về dầu khí.
Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung hoạt động dầu khí trung và hạ nguồn, “dự án dầu khí theo chuỗi đồng bộ” vào phạm vi điều chỉnh. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các hoạt động dầu khí trung nguồn và hạ nguồn thực hiện theo quy định tại các luật có liên quan; trong quá trình triển khai cơ bản không gặp vướng mắc. Đối với dự án dầu khí theo chuỗi, để tránh nhầm lẫn chuỗi giá trị dầu khí và chuỗi đồng bộ hoạt động dầu khí thượng nguồn, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã chỉnh sửa, quy định rõ tại khoản 1, Điều 42 về nội dung này.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, nhiều ý kiến đề nghị rà soát, hoàn thiện quy định về điều tra cơ bản về dầu khí. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã chỉnh sửa tại Điều 10 theo hướng bổ sung quy định về cơ chế thực hiện, hình thức tổ chức thực hiện đề án điều tra cơ bản về dầu khí; nhiệm vụ chủ trì của Bộ Công Thương và giao Chính phủ quy định chi tiết điều này.
Về hợp đồng dầu khí, một số ý kiến đề nghị cân nhắc điều chỉnh quy định về thẩm quyền phê duyệt hợp đồng dầu khí. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, hợp đồng chia sản phẩm dầu khí là thỏa thuận pháp lý quan trọng giữa Nhà nước và nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí (nhà đầu tư dầu khí), ràng buộc quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia thực hiện hoạt động tìm kiếm thăm dò, khai thác tài nguyên dầu khí quốc gia, có tính chất dài hạn, có nhiều nội dung đặc thù có liên quan đến quốc phòng, an ninh, chủ quyền, mặt biển... Vì vậy, cần thiết quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt toàn bộ nội dung hợp đồng dầu khí, kế thừa quy định của Luật Dầu khí hiện hành.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng báo cáo giải trình một số vấn đề liên quan đến điều tra cơ bản về dầu khí; hoạt động dầu khí; chức năng, quyền và nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí và vấn đề quản lý nhà nước, trách nhiệm của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí…
Ngoài những nội dung nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đầy đủ các ý kiến về nội dung của dự thảo luật. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội tập trung thảo luận về 4 nội dung: Điều tra cơ bản về dầu khí; hợp đồng dầu khí; hoạt động dầu khí; chính sách khai thác tài nguyên đối với mỏ dầu khí khai thác tận thu và các vấn đề khác mà đại biểu Quốc hội quan tâm.
Quy định cụ thể chính sách khai thác mỏ dầu khí khai thác tận thu
Cơ bản đồng tình và đánh giá cao các cơ quan trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) đề nghị rà soát, sắp xếp các chương, điều của dự thảo luật để bảo đảm tính thống nhất, liền mạch, tạo thuận lợi trong quá trình nghiên cứu cũng như áp dụng Luật.
Góp ý về phạm vi điều chỉnh, đại biểu cho rằng, nội hàm của dự thảo luật này không chỉ điều chỉnh hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí, hoạt động dầu khí, mà còn điều chỉnh các nội dung như lựa chọn nhà thầu hợp đồng dầu khí, nhà thầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam quản lý Nhà nước về dầu khí. Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung phạm vi điều chỉnh bảo đảm phù hợp với nội hàm của dự thảo luật.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) nhấn mạnh, hoạt động dầu khí có tính chất đặc thù, có tính rủi ro cao, do tại thời điểm ký kết hợp đồng chưa thể lường hết được các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả tìm kiếm, thăm dò dầu khí, phát triển mỏ dầu khí và khai thác dầu khí. Do vậy, đại biểu cho rằng, các quy định điều chỉnh liên quan đến mỏ dầu khí tận thu và các quy định về chính sách ưu đãi trong lĩnh vực dầu khí nói chung và mỏ dầu khí khai thác tận thu nói riêng là một điểm quan trọng đột phá của dự thảo luật lần này.
Cơ bản tán thành các nội dung của Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn thành phố Hà Nội) đánh giá cao các quy định về điều tra cơ bản được quy định tại các điều khoản trong luật sửa đổi. Đại biểu đề nghị, cần quy định chặt chẽ nội dung này để bảo đảm tính thống nhất, tránh xung đột pháp luật.
Cụ thể, đại biểu đề nghị bổ sung vào Điều 5 về chính sách của Nhà nước về dầu khí một khoản quy định chính sách ưu đãi đối với các hoạt động nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản về dầu khí, thu hút các nhà đầu tư chiến lược hàng đầu thế giới, có công nghệ nguồn hiện đại, trình độ quản lý tiên tiến trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, đây là những ý kiến quý báu, thể hiện trách nhiệm, tâm huyết của các đại biểu Quốc hội đối với sự nghiệp phát triển dầu khí nước nhà, giúp ngành có cơ hội phục vụ tốt hơn nữa cho sự phát triển kinh tế, xã hội, an ninh năng lượng, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.
Thời gian qua, cơ quan chủ trì soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tiếp thu tối đa ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội nhằm giải quyết 6 nhóm chính sách đã được Nghị quyết của Quốc hội thông qua. Trên cơ sở ý kiến góp ý của các đại biểu, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra sẽ nghiêm túc tiếp thu để hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu tối đa để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, trình Quốc hội xem xét thông qua tại cuối kỳ họp thứ tư.