Người khuyết tật khó học lấy bằng lái ô tô
Đời sống - Ngày đăng : 07:07, 08/12/2017
Ảnh minh họa: Internet |
Theo Phòng Quản lý sát hạch và cấp giấy phép lái xe (Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh), hiện phòng mới chỉ cấp bằng lái xe ô tô hạng B1 số tự động cho 1 người khuyết tật bị cụt 1/3 đùi phải và đang đi chân giả. Lý giải về nguyên nhân trên, ông Võ Trọng Nhân, Trưởng phòng Quản lý sát hạch và cấp giấy phép lái xe cho hay, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh chưa có cơ sở đào tạo lái xe hạng B1 số tự động dành riêng cho người khuyết tật, đây là rào cản lớn nhất để người khuyết tật tiếp cận học thi lấy bằng lái xe. Do đó, nếu người khuyết tật có nhu cầu học lái xe, bảo đảm các điều kiện của Bộ Giao thông - Vận tải và Bộ Y tế quy định, sẽ đăng ký tại tất cả các cơ sở đào tạo lái xe trên địa bàn.
Cũng theo nhiều trung tâm đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, hiện việc khám sức khỏe cho người khuyết tật được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 24 của liên bộ Y tế và Giao thông - Vận tải, nhưng hầu hết các trung tâm đào tạo lái xe chưa mặn mà, vì điều kiện cơ sở vật chất khám bệnh lẫn đội ngũ y, bác sĩ gần như không có. Bên cạnh đó, theo các trung tâm này, khi người khuyết tật học lấy bằng lái thì phải mua loại xe riêng hoặc hoán cải một số chức năng, bộ phận kỹ thuật của xe, đồng thời phải qua đăng kiểm kỹ thuật mới được đưa ra đào tạo. Chưa kể phải có những giáo viên chuyên biệt mới có thể dạy được người khuyết tật. Trong khi đó, đến nay, các trung tâm vẫn chưa nắm rõ quy định về phương tiện kỹ thuật, trang thiết bị được thiết kế để phù hợp với người khuyết tật.
Một vấn đề nữa mà các trung tâm đào tạo lái xe băn khoăn là việc đào tạo lái xe cho người mất chân phải sẽ rất khó khăn. Cụ thể, với xe số tự động, hệ thống phanh và ga nằm ở bên phải, thế nên nếu mất chân phải, người lái xe buộc phải sử dụng chân trái có thể sẽ không thuận lợi trong quá trình lái xe. Do vậy, người khuyết tật chân phải khi học lái xe có thể phải cải tạo những dòng xe phù hợp và được đăng kiểm đúng quy định, để bảo đảm quá trình lái xe được an toàn. Mặt khác, kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng, vật chất lẫn nhân lực dành riêng cho người khuyết tật học thi lấy bằng tốn kém, trong khi, người khuyết tật học lái xe ô tô lại ít ỏi, thế nên các trung tâm đào tạo chưa mặn mà.
Từ thực tế trên, nhiều trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe cho rằng, không nên đầu tư đại trà, chỉ nên thí điểm tại một số trung tâm để tập hợp đủ danh sách người khuyết tật đào tạo cùng lúc, tránh lãng phí về trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, đội ngũ giáo viên lẫn kinh phí đầu tư. Ngoài ra, cần phối hợp với các trung tâm bảo trợ xã hội để hỗ trợ người khuyết tật trong quá trình đào tạo.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng khuyến khích đào tạo, cấp giấy phép lái xe cho người khuyết tật phù hợp với xe sát hạch hiện có của các trung tâm đào tạo nhưng phải được hoán cải phù hợp người khuyết tật và đúng quy định đăng kiểm. Việc sát hạch vẫn phải theo chương trình, quy trình như người bình thường nhưng không lắp thiết bị chấm điểm tự động mà giáo viên sẽ ngồi trên xe để sát hạch. Sau đó, cấp bằng B1 số tự động cho người khuyết tật.