Ba “chân kiềng” nhằm tăng cường chăm sóc sức khoẻ nhân dân

Chính trị - Ngày đăng : 14:32, 08/12/2017

(HNMO) - Chiều 8-12, tiếp tục chương trình hội nghị học tập, quán triệt các nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khoá XII) của Đảng do Thành ủy Hà Nội tổ chức, các đại biểu đã nghe Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến báo cáo về Nghị quyết số 20-NQ/TƯ về “Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”.

Quang cảnh hội nghị.


Dự hội nghị tại đầu cầu trụ sở Thành ủy Hà Nội (số 1 Trần Phú, quận Hà Đông) có Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý; lãnh đạo một số cục, vụ của Bộ Y tế.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, ngành y tế và công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa quan trọng. Nổi bật là phòng, chống dịch bệnh tốt; sản xuất được 11 loại vắc-xin tiêu chuẩn; y học ứng dụng ngang với các nước trong khu vực; đã đưa vào nhiều ứng dụng công nghệ cao bảo vệ sức khoẻ nhân dân như kỹ thuật nội soi, mổ ghép tạng… Hệ thống y tế tương đối công bằng. Hệ thống bệnh viện đã cải thiện cả về cơ sở vật chất và chất lượng phục vụ.

Tuy nhiên, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Đáng lưu ý là y tế cơ sở kém cả về cơ sở vật chất và nhân lực, khiến cho người dân không tin tưởng, tìm lên tuyến trên. Hệ thống y tế gia đình chưa phát triển. Mới quan tâm đến chữa bệnh, chưa quan tâm đến phòng bệnh như các vấn đề dinh dưỡng, tập luyện thể thao, xử lý stress… Tầm vóc của người Việt Nam thấp nhất khu vực. Cơ chế tài chính chưa đổi mới, còn nhiều bất cập. Ví dụ, tuyến xã, phường mới có 20% bảo hiểm, nên nếu trạm y tế có khang trang thì người dân cũng không đến chữa vì quyền lợi ít.

Nhằm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khoá XII) nhằm tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và công tác dân số trong tình hình mới, Bộ Y tế sẽ cùng hệ thống chính trị các cấp triển khai thực hiện các giải pháp đã được đề ra, tập trung vào 3 “chân kiềng”.

Thứ nhất là nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu, làm sao để ai cũng được chăm sóc, theo dõi sức khoẻ. Bộ Y tế đang xây dựng hồ sơ điện tử sức khoẻ của người dân như TP Hà Nội đã triển khai.

Thứ hai là khi người dân bị bệnh, thì dù là ai, có tiền hay không có tiền cũng phải được chữa trị, chăm sóc tử tế. Thời gian khám bệnh ngắn, tỷ lệ tử vong giảm. Để thực hiện mục tiêu này, Bộ Y tế sẽ đổi mới tư duy toàn diện để nâng cao chất lượng các bệnh viện; trước mắt là đổi mới công tác đánh giá chất lượng bệnh viện, chấm điểm theo tiêu chuẩn quốc tế. Theo kế hoạch, ngày 27-2-2018, lần đầu tiên, Bộ sẽ công bố điểm của tất cả các bệnh viện trực thuộc bộ và các bệnh viện đa khoa cấp tỉnh theo cách chấm điểm mới này.

Thứ ba tập trung giải quyết các vấn đề bất cập về tài chính, nhân lực và cơ sở vật chất liên quan đến ngành y tế.

Tiếp theo, các đại biểu nghe Vụ Trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) Nguyễn Nam Liên báo cáo về Nghị quyết số 20-NQ/TƯ về “Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới” và Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) thông tin về Nghị quyết số 21-NQ/TƯ về “Công tác dân số trong tình hình mới”.

Quốc Bình