Qua mắt NASA, một hành tinh dài hàng chục mét vừa sượt qua Trái Đất
Công nghệ - Ngày đăng : 08:57, 09/12/2017
Ảnh minh họa. |
Tiểu hành tinh có tên 2017 VL2 ngày 9-11 đã bay lướt qua Trái đất ở khoảng cách 117.000 km, bằng 1/3 khoảng cách giữa Trái đất và Mặt trăng. Tuy nhiên, các chuyên gia thiên văn học, ngay cả Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), cũng không phát hiện ra hành tinh này cho tới một ngày sau đó.
Theo báo Express (Anh), các chuyên gia cho hay, 2017 VL2 dài từ 16 – 32 mét. Và nếu đâm xuống Trái đất, nó sẽ gây ra một lực đủ mạnh để san phẳng một thành phố lớn như New York của Mỹ.
Một cuộc điều tra mới đây của trang tin khoa học ScienceAlert đã chỉ ra rằng nếu một thiên thể 12 mét đâm vào New York, nó có thể phá hủy toàn bộ các tòa nhà nằm trong phạm vi 6 km.
Trong khi kích cỡ của 2017 VL2 lớn gấp 3 lần thiên thể trong cảnh báo của ScienceAlert, nó sẽ gây ra thiệt hại lớn gấp 3 lần.
Tiểu hành tinh 2017 VL2 do đài thiên văn ATLAS-MLO ở Hawaii chịu trách nhiệm quan sát. Đây là hành tinh thứ 48 từng được biết đến bay qua Trái đất trong một khoảng cách Mặt trăng. Dự kiến khối đá vũ trụ này sẽ không “giáp mặt” hành tinh của chúng ta cho tới năm 2125.
Sự cố thiên thạch đâm xuống Trái đất nghiêm trọng gần đây nhất xảy ra năm 2013 khi một thiên thạch dài 20 mét lao vào thành phố Chelyabinsk của Nga, khiến hơn 1.000 người bị thương và phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng.
Trước đó, năm 1908, một tiểu hành tinh kích cỡ 190 mét đã đâm xuống khu rừng Tunguska ở Siberia, phá hủy một khu vực rộng 1.200 km. Trong cả hai trường hợp, các chuyên gia đều không phát hiện ra chúng sẽ lao xuống Trái đất.