Giọt mật giữa vùng đất mặn

Giới trẻ - Ngày đăng : 12:01, 19/01/2023

(HNNN) - Ngày 20-12-2022, Phạm Đình Ngãi (sinh năm 1989) với vai trò Tổng Giám đốc và nhà sáng lập Sokfarm đã chia sẻ câu chuyện về sản phẩm mật hoa dừa tại phiên toàn thể “Nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp” trong khuôn khổ Diễn đàn Mekong Startup 2022. Từ mật hoa của cây dừa trên mảnh đất Trà Vinh vốn chịu nhiều áp lực xâm nhập mặn, Sokfarm đã sáng tạo ra 7 sản phẩm độc đáo có mặt tại khắp các vùng miền và xuất khẩu ra thế giới. Và, câu chuyện về “nông nghiệp hạnh phúc” (“Sok” theo tiếng Khmer là hạnh phúc) còn những nhân tố thú vị khác.

Phạm Đình Ngãi và Chal Thi - đôi vợ chồng sáng lập Sokfarm.

“Chỉ với 20 cây dừa, thu nhập 6 triệu đồng/tháng”

Sokfarm là cái tên đậm dấu ấn Trà Vinh - nơi bà con Khmer cư trú đông nhất ở khu vực miền Tây Nam Bộ. Yếu tố bản địa đậm nét từ con người đến sản phẩm, phương thức canh tác, sản xuất và xu thế nông nghiệp bền vững trong Sokfarm, đó là những điều đặc biệt thu hút người viết.

Sôi nổi, chân thành, giản dị, cậu thanh niên “vùng đất chín rồng” Phạm Đình Ngãi dí dỏm: “Ở công ty thì em là dân tộc thiểu số vì cả Sokfarm có tới 80% lao động là người Khmer, trong đó hơn 70% là nữ”. Phạm Đình Ngãi vốn là thạc sĩ kỹ thuật điện của Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh. Còn vợ anh, cô gái Khmer Thạch Thị Chal Thi (sinh năm 1989) là thạc sĩ ngành công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh. Khác với đa số bạn bè cùng trang lứa, cô gái Khmer ấy đã sớm tiếp nhận từ cha - người Bộ đội Cụ Hồ mang tên Thạch Mây - một khát vọng mạnh mẽ: “Chỉ có học mới có thể thay đổi cuộc đời”.

Họ bắt đầu nghĩ đến việc tạo ra sản phẩm từ cây dừa quê hương kể từ năm 2018, khi giá dừa khô tại Trà Vinh rớt thê thảm, có lúc, 1.200 trái dừa chỉ mang về cho người nông dân 2 triệu đồng. Vùng dừa đứng thứ hai miền Tây về sản lượng trở nên chao đảo với câu chuyện không mới của nông nghiệp nước nhà: Phát triển thiếu bền vững, đầu ra không ổn định, rớt giá…

Nếu như quê hương cho họ động lực để lập nghiệp thì thế giới rộng mở mang đến cho họ lối đi. Chal Thi chia sẻ, cô và Ngãi tìm đọc về các sản phẩm từ cây dừa trên thế giới và phát hiện ra nhiều nơi, như Malaysia, khai thác mật hoa cây dừa làm thức uống và các loại sản phẩm khác.

Mật hoa dừa của Trà Vinh được lấy thử và sản xuất. Sau 8 tháng chật vật vượt qua rào cản về kỹ thuật, sản phẩm được mang ra chợ bán, bà con Khmer mới thốt lên: “Trời ơi, mấy chục năm nay mới được uống lại thứ mật này”. Thì ra, cả trăm năm trước người Khmer đã thu mật hoa dừa để sử dụng trước khi đường mía trở nên phổ biến. Chal Thi thành thật rằng, lúc ấy cô mới biết chế biến mật hoa dừa từng là nghề truyền thống của quê hương mình.

Sokfarm ra đời và chính thức ra thị trường từ năm 2019. Sản lượng mật nguyên liệu của Sokfarm ước chừng 45 tấn/tháng. Tổng vùng diện tích nguyên liệu hữu cơ quốc tế của Sokfarm là 20 hecta.

Đời dừa kéo dài từ 30 đến 50 năm, và từ 3 năm tuổi là có thể cho mật. Mỗi ngày ít nhất 2 lần, người thợ phải leo lên cây dừa để “mát xa và thu mật”. Toàn bộ mật hoa phải thu về và chuyển đến nhà máy trong vòng 12 giờ để tránh lên men. Từ đây, mật hoa dừa nguyên chất 100% được cô đặc chân không tự nhiên thành mật hoa dừa cô đặc hoặc chế biến thành nhiều sản phẩm khác như mật hoa dừa lên men, nước uống mật hoa dừa, đường hoa dừa… Loại mật thực vật này có vị ngọt tự nhiên, thuộc loại đường ít calo, chỉ số đường huyết thấp và giàu khoáng chất, là một lựa chọn thay thế đường công nghiệp hoặc mật ong…

Mô hình trồng dừa thu mật đã giúp một lượng lao động yếu thế là người bản địa dễ dàng tham gia chuỗi kinh tế của doanh nghiệp. Và, theo tính toán của Sokfarm thì chỉ cần có 20 cây dừa, một hộ đã có thể thu nhập 6 triệu đồng/tháng. 

Với ưu thế nói trên, sản phẩm của Sokfarm đến nay đã nhận được Giải thưởng Lương Định Của 2022; là đại diện duy nhất của Việt Nam nhận Giải thưởng Asean Business Award ở hạng mục Inclusive Business (Doanh nghiệp phát triển bao trùm). Phát triển bao trùm là phát triển trên cơ sở kết hợp đồng đều về kinh tế, môi trường, sinh kế cho người dân, nghề truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và xu hướng người tiêu dùng. Cô gái Thạch Thị Chal Thi cũng được nhận Bằng khen của Chính phủ vì đã có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2021.

Nhìn lại chặng đường ít nhiều rõ dấu ấn đã qua, Chal Thi vẫn khiêm tốn: “Năm 2017, Trung tâm dừa Đồng Gò Bến Tre đã có nghiên cứu về mật hoa dừa, nhưng lại chưa phát triển được. Sokfarm thành công bước đầu có lẽ cũng là do sự may mắn kết hợp nhiều yếu tố”.

Giữ lại cây dừa trên vùng đất mặn

Đang trong cuộc trò chuyện trực tuyến với Chal Thi, nghe tiếng mưa sầm sập đổ xuống thị trấn Tiểu Cần, huyện Tiểu Cần, nơi có vườn dừa Sokfarm. Chal Thi phải cất tiếng nói lớn: “Mưa lớn quá ạ, và gần đây mưa rất thất thường do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu”. Quả thực, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn đang đặt ra cho Đồng bằng sông Cửu Long vô vàn thách thức, và cả cơ hội để chuyển đổi canh tác.

Đã có câu hỏi, cây dừa lâu nay vốn được khai thác lấy quả, nay thu mật từ hoa thì sản lượng quả chịu ảnh hưởng thế nào?

Trà Vinh là tỉnh giáp biển, có 3 cửa sông đổ ra biển. Khi ngập mặn sâu, cây dừa vẫn ra hoa, nhưng trái sẽ rụng hoặc giảm năng suất từ 30 - 70%. Khai thác mật hoa dừa là một giải pháp giúp cải thiện sinh kế cho nông dân, cho thu nhập tăng 3 - 5 lần và giữ được người nông dân ở lại vùng đất của mình. Như chia sẻ của Phạm Đình Ngãi, mỗi héc-ta trồng dừa thu mật có thể mang về cho nông hộ từ 35 - 50 triệu đồng/tháng.

Xâm nhập mặn cũng đặt ra một câu hỏi rằng, hương vị mật hoa dừa liệu có chịu ảnh hưởng hay không? Những người trẻ của Sokfarm vui vẻ: “Tụi mình trẻ, có kiến thức, yêu quê hương, nên cứ thế mà “chiến” thôi. Nếu mật dừa mặn thì mình mang đi chế biến nước tương mật hoa dừa. Sokfarm ở đây để giúp cây dừa Việt Nam có thêm chuỗi giá trị nông nghiệp mới”.

Năm 2023 đã tới, với những dấu hiệu, thách thức của suy thoái kinh tế bộc lộ ngay từ quý IV năm 2022 khi nhiều công ty phải cho công nhân nghỉ việc, không ít công ty lớn rớt đơn hàng từ châu Âu, châu Mỹ… Trước khó khăn được dự báo ấy, cô gái Khmer Thạch Thị Chal Thi hướng người nghe tới cái nhìn lạc quan: Năm 2023, Sokfarm tập trung bảo toàn lực lượng, tìm được đơn hàng để cho nông dân được đi thu mật, để nhà máy được sáng đèn chứ không phải là sa thải nhân công… Hiện tại, Sokfarm dành 90% sản phẩm cho thị trường trong nước, và 10% xuất khẩu sang Hà Lan, Nhật Bản. Tìm kiếm thị trường mới từ châu Á là hướng đi của “nông nghiệp hạnh phúc” trong năm mới này.

Chal Thi cũng nhớ lại những ngày khởi nghiệp, cô đã tâm đắc nhất điều gọi là văn hóa doanh nghiệp. “Đó là thứ gắn kết doanh nghiệp, dẫn dắt doanh nghiệp vượt qua khó khăn, có thể đi xa một cách vững vàng” - Chal Thi tin tưởng.

Thật vậy, văn hóa có ở khắp các mặt trận, đặc biệt là trong kinh tế sáng tạo. Nghị quyết Hội nghị lần VI, Ban Chấp hành TƯ Đảng khóa XIII, chuyên đề “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nêu rõ: “Trong quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa phải khơi dậy khát vọng phát triển, tinh thần khởi nghiệp quốc gia, đổi mới sáng tạo; phát huy giá trị tinh hoa văn hóa dân tộc, bản lĩnh trí tuệ con người Việt Nam…”. 

Mong sao giọt mật Sokfarm trên vùng đất mặn sẽ tiếp tục lan tỏa tinh thần nông nghiệp hạnh phúc và bền vững ngay cả trong thách thức nhiều mặt của thế giới.

Hà An