Hiểm họa từ đốm lửa nhỏ

Đời sống - Ngày đăng : 07:35, 09/12/2017

(HNM) - Sự cố gây cháy, nổ khi hàn, cắt kim loại chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, song thiệt hại của những vụ cháy thường rất khó lường. Tuy nhiên, có thể khẳng định hiểm họa từ đốm lửa nhỏ này hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn...

Hàn, cắt kim loại là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều vụ hỏa hoạn trong thời gian qua.
Ảnh: Thái Hiền


“Thủ phạm” những vụ cháy lớn

Chắc hẳn nhiều người vẫn chưa thể quên vụ cháy ngày 29-7 gây thiệt hại về người lớn nhất năm 2017 tại cơ sở sản xuất bánh kẹo ở xã Đức Thượng (huyện Hoài Đức). Vụ cháy khiến 8 người thiệt mạng, 2 người bị bỏng nặng; toàn bộ tài sản trong cơ sở sản xuất bị thiêu rụi. Nguyên nhân vụ cháy là do thợ hàn khi thi công làm bắn tia lửa vào trần gác xép, được ghép bằng xốp, gây cháy. Gần đây nhất, căn nguyên vụ cháy tại quán karaoke Lake Side trên đường Nguyễn Hữu Thọ (Khu đô thị Bắc Linh Đàm, quận Hoàng Mai) được cơ quan chức năng xác định là do thợ hàn bất cẩn để tia lửa bắn vào vật dụng gây cháy.

Thống kê từ lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội cho thấy, nguyên nhân từ hàn, cắt kim loại hiện chiếm khoảng 2-3% các vụ cháy. Tuy nhiên thiệt hại về người lại chiếm đến trên 50%.

Ngoài sự bất cẩn gây cháy trong quá trình sửa chữa nhà, xưởng, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây cháy tại các cơ sở hàn, cắt kim loại. TP Hà Nội hiện có gần 5.000 cơ sở hàn, cắt kim loại với hơn 12.000 lao động, phần lớn các cơ sở này có quy mô nhỏ, lẻ. Tại đường Đê La Thành (quận Ba Đình), hoạt động hàn, cắt kim loại của các cơ sở kinh doanh kim khí diễn ra hằng ngày, trong khu dân cư đông đúc, trên lề đường giao thông chật hẹp. Nhiều cơ sở trên phố Lò Rèn cũng trong tình cảnh tương tự. Ông Nguyễn Phương Hùng (57 tuổi), chủ cơ sở rèn, hàn kim loại tại phố Lò Rèn thừa nhận, hiện nay hầu hết cửa hàng hàn, cắt kim loại tại đây đều không có người giám sát và chưa được trang bị bình cứu hỏa.

Trong khi đó, với các cơ sở kinh doanh chuyên nghiệp, thợ hàn chủ yếu là tự truyền nghề cho nhau nên chưa ý thức đầy đủ đặc tính nguy hiểm của nghề và chưa có biện pháp phòng ngừa cháy, nổ khi làm việc. Quá trình hàn, cắt, nhiều nơi buông lỏng, không cử người trông coi, không có biện pháp cách ly các vật liệu và hàng hóa dễ cháy ra khỏi khu vực hàn, cắt.

Theo Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy số 3, khi hàn hoặc cắt kim loại, nhiệt độ ở tâm ngọn lửa có thể đạt 3.000 độ C, nhiệt độ mối hàn cũng đạt khoảng 1.700-1.800 độ C. Quá trình hàn, cắt kim loại sẽ làm phát sinh các hạt kim loại nóng cháy li ti có nhiệt độ lên đến hơn 1.000 độ C bắn ra xung quanh. Khi các hạt kim loại này tiếp xúc với vật liệu dễ bắt lửa như vải, giấy, trần nhà bằng mút, vách gỗ sẽ dễ bén lửa và gây cháy hoặc cháy âm ỉ rất nguy hiểm.

Tăng cường quản lý

Theo Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy số 2 (Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội), Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đang phối hợp cùng Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội tiến hành rà soát, thống kê các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện công việc hàn, cắt kim loại, đặc biệt là các hộ kinh doanh cá thể, người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. Qua đó kiểm tra, tập huấn về kiến thức an toàn phòng cháy, chữa cháy cho lực lượng này. Song song đó, việc kiểm tra định kỳ các cơ sở hàn, cắt kim loại cũng được thực hiện thường xuyên, tối đa 4 lần/năm.

Đại tá Nguyễn Trường Sơn cho biết, pháp luật quy định rõ, chỉ những người có chứng chỉ, đã qua đào tạo nghề hàn, cắt kim loại mới được phép thực hiện công việc này. Do đó, mấu chốt của vấn đề hiện nay nằm ở công tác quản lý những cơ sở và những người làm nghề hàn, cắt kim loại tự do. Từ thực tế những vụ cháy lớn gây thiệt hại vừa qua cho thấy cần phải có biện pháp xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân thuê thợ hàn không bảo đảm yêu cầu theo quy định, bởi đây là việc làm tiếp tay cho thảm họa xảy ra.

Để bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy trong hoạt động hàn, cắt kim loại, Phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy (Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội) khuyến cáo, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp an toàn; cắt cử người trông coi trong quá trình hàn, cắt kim loại, trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ để xử lý kịp thời khi có sự cố cháy nổ. Khi hàn, cắt phải sử dụng các thiết bị bảo đảm an toàn, tổ chức che chắn hoặc di chuyển các vật liệu dễ cháy ra khỏi khu vực hàn, cắt (tối thiểu 10m).

Đặc biệt, khi thuê thợ hàn, các tập thể, cá nhân cần lựa chọn những người có tay nghề, đã được tập huấn, đào tạo về nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, nắm vững đặc điểm nguy hiểm cháy, nổ trong hàn, cắt kim loại, biết sử dụng thành thạo các loại phương tiện phòng cháy, chữa cháy tại chỗ để có thể dập tắt đám cháy ngay khi mới phát sinh.

Tiến Thành