Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch Hà Nội: Tạo bứt phá phát triển

Du lịch - Ngày đăng : 06:53, 10/12/2017

(HNM) - Để thực hiện chủ trương phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô, xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng được coi là giải pháp chiến lược.

Hướng dẫn viên giới thiệu với du khách quốc tế về lịch sử của Văn Miếu - Quốc Tử Giám.Ảnh: Viết Thành


Sức ép từ sự phát triển

Ngành Du lịch Thủ đô đang có bước tăng trưởng vượt bậc kể từ sau khi Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26-6-2016 của Thành ủy Hà Nội về Phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo được ban hành. Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải, dự kiến năm 2017, Hà Nội đón 23,83 triệu lượt khách, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 4,95 triệu lượt, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2016. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 70.958 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2016 và vượt 6,7% so với kế hoạch.

Cùng với đó, nhu cầu nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng sự phát triển du lịch Thủ đô gia tăng đáng kể. Toàn thành phố có khoảng 100.000 lao động trực tiếp tham gia các hoạt động du lịch, tập trung ở các cơ sở lưu trú; doanh nghiệp lữ hành; khu, điểm du lịch, vui chơi, giải trí; nhà hàng, quán bar… Đối với lực lượng quản lý, theo thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, hiện thành phố chỉ có 114 người, bao gồm công chức Sở Du lịch Hà Nội; viên chức phụ trách xúc tiến du lịch thuộc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội; công chức kiêm nhiệm quản lý du lịch tại các quận, huyện, thị xã. Ông Trần Đức Hải cho rằng, nguồn nhân lực du lịch của Thủ đô dù đã có sự gia tăng, song vẫn chưa đáp ứng được tốc độ phát triển, nhất là lực lượng quản lý.

Còn theo Tiến sĩ Trần Nữ Ngọc Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban Dân tộc, người đã có nhiều năm tham gia đào tạo nguồn nhân lực du lịch, ở một số lĩnh vực, lực lượng lao động còn “mỏng” và “yếu”. “Hà Nội hiện nay có ít điểm vui chơi, giải trí hấp dẫn, đẳng cấp; các sản phẩm du lịch vùng ven đô còn nghèo nàn, chất lượng chưa cao. Điều này cho thấy, nhân lực du lịch đang thiếu người giỏi, có tầm nhìn để đầu tư, phát triển ngành” - Tiến sĩ Trần Nữ Ngọc Anh nhận định.

Theo Quy hoạch phát triển du lịch TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, năm 2020, lực lượng lao động trực tiếp trong ngành Du lịch Hà Nội khoảng 127.800 người, lao động gián tiếp là 383.000 người. Năm 2030, ngành Du lịch cần 250.000 lao động trực tiếp, 750.000 lao động gián tiếp mới đáp ứng được nhu cầu của sự phát triển.

Người dân thôn Đào Thục (Thụy Lâm, Đông Anh) tham gia lớp bồi dưỡng kiến thức du lịch cộng đồng. Ảnh: Thụy Du


Trước sức ép của sự pháttriển như vậy, Thành ủy, UBND thành phố và các cấp, ngành liên quan đã có những quyết sách mạnh mẽ để đầu tư nâng cao chất lượng, chuẩn hóa nguồn nhân lực du lịch. Nghị quyết số 06-NQ/TU đã nêu rõ, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực là giải pháp trọng tâm để đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô. Trong đó, việc đào tạo nhân lực chất lượng cao về chuyên môn, ngoại ngữ, nhận thức chính trị, trách nhiệm công dân, ý thức, đạo đức nghề nghiệp, văn hóa giao tiếp để tham gia hoạt động du lịch được thành phố chú trọng.

Tính chuyên nghiệp đặt lên hàng đầu


Lớp bồi dưỡng kiến thức về du lịch cộng đồng cho dân cư tại thôn Đào Thục (Thụy Lâm, Đông Anh) gần đây có gần 100 người dân, nghệ nhân, người bán hàng, người phục vụ tại các điểm du lịch ở địa phương tham gia. Họ chăm chú lắng nghe giảng viên truyền thụ kỹ năng phục vụ, giao tiếp, ứng xử để “níu chân” du khách ở lại làng múa rối nước nổi danh đất Kinh kỳ. Họ cũng bày tỏ băn khoăn về việc làm sao cân bằng được giữa phát triển du lịch và gìn giữ nét truyền thống... Sôi nổi hơn cả là phần thảo luận giữa hai nhóm trong lớp, về giải pháp để phát huy giá trị tự nhiên và nhân văn, tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương. Sau khi tham gia lớp bồi dưỡng, nghệ nhân Nguyễn Thị Hoài Thu của Phường múa rối nước dân gian Đào Thục chia sẻ: “Chúng tôi ở làng, xưa nay chỉ luyện tập lúc rảnh rỗi để biểu diễn khi khách đến. Nhưng giờ tôi hiểu rằng, chỉ như vậy thôi thì chưa phát huy được hết giá trị của làng. Chúng tôi có thể giao lưu, trò chuyện, hướng dẫn khách thực hành làm con rối hoặc biểu diễn múa rối để khách ở lại với mình, đồng thời quảng bá cho múa rối Đào Thục đi xa hơn…”.

Lớp tập huấn nghiệp vụ về công tác quản lý nhà nước và xây dựng sản phẩm du lịch dành cho cán bộ thuộc Sở Du lịch Hà Nội, các quận, huyện, thị xã cũng vừa diễn ra, là nơi để nâng cao năng lực cán bộ, tạo cơ hội cho những người làm công tác quản lý trao đổi về khó khăn, vướng mắc trong công việc và cùng tìm giải pháp tháo gỡ.

Đây là hai trong số hơn 40 lớp bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch mà Sở Du lịch Hà Nội tổ chức trong năm 2017. Các lớp học này tập trung bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về du lịch; nghiệp vụ thanh tra du lịch; nhân lực lữ hành, vận chuyển, lưu trú; kỹ năng kinh doanh du lịch cho cộng đồng dân cư; kỹ năng xây dựng sản phẩm du lịch; kiến thức và kỹ năng thuyết minh cho thuyết minh viên… Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải cho biết, ngay từ đầu năm 2017, Sở đã ban hành Kế hoạch số 19/KH-SDL về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch năm 2017 và tổ chức các lớp bồi dưỡng về du lịch cộng đồng cho hơn 300 học viên, 400 hướng dẫn viên du lịch, 116 lái xe, 100 nhân lực quản lý khách sạn, 68 thuyết minh viên tại điểm, 30 cán bộ quản lý du lịch địa phương… Sở Du lịch Hà Nội cũng tích cực xây dựng mối quan hệ “Cơ quan quản lý nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp” trong đào tạo nhân lực du lịch của thành phố theo hướng ưu tiên và có cơ chế đặc thù. Nhờ sự “bắt tay” đó, đã thu hút được nhân lực giỏi, đúng nhu cầu, được đào tạo bài bản.

Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch của Thủ đô hiện nay, Tiến sĩ Trần Nữ Ngọc Anh đề xuất, cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nhân lực hướng đến sự chuyên nghiệp. Những thứ mà du lịch Hà Nội đang yếu như kỹ năng giao tiếp, ứng xử với khách du lịch, dịch vụ chăm sóc khách hàng hoặc những kỹ năng còn thiếu như xúc tiến, phát triển sản phẩm, tổ chức quản lý du lịch cộng đồng cho các làng nghề… phải triển khai mạnh hơn. 

An Nhi