Tích cực nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý hợp tác xã
Kinh tế - Ngày đăng : 07:57, 10/12/2017
Chăm sóc đàn lợn giống tại Hợp tác xã Chăn nuôi - Dịch vụ tổng hợp Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa, Hà Nội). Ảnh: Nhật Nam |
Lớp học gắn với thực tế
Theo Trung tâm Đào tạo và Hỗ trợ phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ trực thuộc Liên minh hợp tác xã TP Hà Nội (gọi tắt là Trung tâm Đào tạo và Hỗ trợ): Trong năm 2017, Trung tâm đã mở 40 lớp đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh cho cán bộ chủ chốt của hợp tác xã với 2.329 người tham gia. Nhìn chung, lớp học rất thiết thực và phù hợp với học viên.
Trao đổi về vấn đề này, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Hỗ trợ phát triển hợp tác xã Nghiêm Thị Giơn cho biết: Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ giám đốc điều hành hợp tác xã giúp các Chủ tịch Hội đồng quản trị hợp tác xã có kỹ năng, phong cách quản lý theo kịp sự phát triển của nền kinh tế thị trường; có khả năng lập kế hoạch sản xuất kinh doanh, nắm bắt được mô hình tổ chức sản xuất của hợp tác xã theo chuỗi giá trị hàng nông sản; nhận biết, phân tích được các chỉ tiêu trên báo cáo tài chính hằng năm, từ đó xây dựng, điều chỉnh kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị mình cho phù hợp để đạt kết quả tốt hơn; hiểu được quy chế quản lý tài chính và quy chế hoạt động của Ban Kiểm soát; tháo gỡ những vấn đề vướng mắc của hợp tác xã trong quá trình tổ chức quản lý và điều hành hoạt động hợp tác xã theo luật năm 2012...
Đánh giá về hiệu quả của công tác đào tạo cán bộ cho hợp tác xã, Giám đốc Hợp tác xã Bắc Hồng (huyện Đông Anh) Nguyễn Tuấn Hồng cho biết: Hiện nay, trình độ chuyên môn của cán bộ Ban Quản trị hợp tác xã còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu, nên việc tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh, cán bộ sẽ nắm rõ các chủ trương, chính sách, quy định hoạt động hợp tác theo luật 2012. Thông qua lớp học, các học viên cũng được giảng viên triển khai một số chủ trương và chính sách mới của Nhà nước về kinh tế tập thể; giới thiệu các mô hình hợp tác xã mới kinh doanh hiệu quả. Qua đó, giúp học viên nắm được kiến thức về quản lý maketing, sản xuất, nhân sự và tài chính... áp dụng vào công việc thực tiễn.
Bên cạnh việc đào tạo cho cán bộ hợp tác xã, năm 2017, Trung tâm Đào tạo và Hỗ trợ còn mở các lớp bồi dưỡng cho cán bộ tư vấn cơ quan Liên minh hợp tác xã TP Hà Nội, giúp cán bộ tư vấn trong cơ quan nâng cao kỹ năng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng tham mưu, tư vấn đáp ứng được yêu cầu công việc. Không những thế, giảng viên được liên kết từ các Học viện Ngân hàng, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật trung ương, Trường Đại học Tài chính quản trị kinh doanh; Câu lạc bộ Giảng viên CFEF Việt Nam, giảng viên là các chuyên gia cao cấp của Liên minh hợp tác xã Việt Nam và các giảng viên thuộc Trường Cao đẳng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Bộ. Đặc biệt, giảng dạy theo phương pháp “Dạy học tích cực” dễ hiểu, nhiệt tình, sáng tạo, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ sâu, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn về hoạt động hợp tác xã; khích lệ học viên tích cực học tập, mạnh dạn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động thực tiễn giữa các hợp tác xã. Trong quá trình giảng, có nhiều ví dụ gắn với thực tiễn hoạt động của các hợp tác xã nên học viên tiếp thu nhanh và áp dụng được kiến thức đã được bồi dưỡng vào thực tế công tác quản lý, điều hành hoạt động của đơn vị mình.
Tiếp tục mở các lớp đào tạo
Thực tế, trình độ của cán bộ quản lý hợp tác xã vẫn còn hạn chế, nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, căn cứ tình hình thực tế, nhu cầu, nội dung thiết yếu cần được bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng quản lý, lãnh đạo điều hành hợp tác xã đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, Liên minh hợp tác xã TP Hà Nội dự kiến năm 2018 sẽ tiếp tục mở 38 lớp cho 1.830 cán bộ làm công tác quản lý của hợp tác xã để nâng cao trình độ chuyên môn. Trao đổi về vấn đề này, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Hỗ trợ Nghiêm Thị Giơn cho rằng: Để nâng cao chất lượng cán bộ hợp tác xã hiện nay, cần tập trung vào hai yếu tố là nâng cao năng lực, trình độ và bảo đảm chế độ thỏa đáng cho cán bộ.
Về lâu dài, các hợp tác xã cần chủ động đề xuất yêu cầu về các lĩnh vực mà đơn vị mình còn thiếu, yếu để được phân bố chương trình đào tạo cho đúng trọng tâm. Các hợp tác xã cần có kế hoạch xây dựng đội ngũ kế cận, tạo điều kiện cho con em xã viên đi học và làm việc tại đơn vị mình. Để có đội ngũ cán bộ quản lý hợp tác xã đủ trình độ chuyên môn, đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ, các ngành chức năng cần quan tâm, hỗ trợ công tác đào tạo bồi dưỡng. Đội ngũ cán bộ quản lý hợp tác xã phải mạnh và cần được đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên, bài bản, sát nhu cầu thực tế. Ngoài ra, Liên minh hợp tác xã TP Hà Nội cần chủ động tìm những cách thức đào tạo, tập huấn sâu sát và đội ngũ giảng viên giỏi... nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý các hợp tác xã hiện nay, tạo nền tảng vững chắc cho các hợp tác xã phát triển, phát huy vai trò giúp đỡ thành viên trong phát triển kinh tế, làm giàu.