Bỏ ngỏ chính sách hoàn thuế cho du khách

Du lịch - Ngày đăng : 08:00, 11/12/2017

(HNM) - Chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa của du khách nước ngoài, Việt kiều khi xuất cảnh vốn phù hợp với thông lệ quốc tế đã được triển khai ở Việt Nam theo Thông tư 72/2014/TT-BCT. Tuy nhiên, hiện chính sách này chưa thu hút doanh nghiệp tham gia do không đem lại nhiều lợi ích.


Tại Việt Nam hiện có 8 cửa khẩu có bộ phận thực hiện công tác hoàn thuế với 67 doanh nghiệp tham gia bán hàng hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT). Doanh thu bán hàng hoàn thuế tập trung tại TP Hồ Chí Minh, nhưng trong 6 tháng 2017 chỉ đạt 15 tỷ đồng, trong khi đó tại tỉnh Khánh Hòa chỉ hoàn trả được 15 triệu đồng. Mặt hàng hoàn thuế chủ yếu tập trung là thời trang, đồng hồ, điện thoại.

Ông Lê Tuấn Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Sơn Nhất cho biết, từ năm 2013 đến năm 2016, mỗi năm chỉ có khoảng 6.000 lượt khách tham gia hoàn thuế VAT tại cửa khẩu Tân Sơn Nhất. Năm nay, tính đến hết tháng 11-2017, dù lượng khách nhiều hơn nhưng mỗi ngày chỉ có hơn 10 khách thực hiện thủ tục hoàn thuế VAT với số tiền không đáng kể.

Luật sư Bùi Quang Tín - Giám đốc điều hành Trường Doanh nhân BizLight cho rằng, nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp không mặn mà với việc đăng ký hoàn thuế cho du khách vì nếu tham gia, doanh nghiệp này phải minh bạch về sổ sách tài chính, hóa đơn, chứng từ và nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Mặt khác, doanh nghiệp chưa thấy được lợi ích khi tham gia hoàn thuế, trong khi thủ tục lại chưa thuận lợi, chưa thống nhất mã hàng, thiếu ký hiệu dẫn tới tốn nhiều thời gian.

Một thực tế khác, các doanh nghiệp tham gia bán hàng hoàn thuế thì không bán được nhiều hàng cho du khách quốc tế. Ngược lại doanh nghiệp bán được nhiều hàng lại không tham gia. Trong khi đó, những điểm bán hàng nổi tiếng ở TP Hồ Chí Minh có nhiều du khách mua đồ sơn mài, thủ công mỹ nghệ... nhưng phần lớn đây là hộ kinh doanh cá thể không đáp ứng được điều kiện được công nhận điểm bán hàng hoàn thuế vì không thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo đúng quy định pháp luật và kê khai, nộp thuế VAT theo hình thức khấu trừ.

Ngoài ra, các doanh nghiệp lữ hành chỉ tổ chức đưa khách đến các điểm tham quan, mua sắm quen thuộc không thuộc điểm được hoàn thuế. Đặc biệt là ngành liên quan chưa giúp các doanh nghiệp du lịch hỗ trợ truyền thông cho du khách về quy trình, thủ tục hoàn thuế. Do đó nhiều hướng dẫn viên rất mơ hồ, khó có thể hỗ trợ du khách.

Theo kết quả điều tra của Tổng cục Du lịch, chi tiêu cho chuyến đi trung bình của khách quốc tế đến Việt Nam là khoảng 1.114 USD/người, trong đó chi cho lưu trú chiếm 33%, ăn uống 24%, mua sắm hơn 18%. Phần lớn du khách mua sắm ở các trung tâm du lịch, trong đó tập trung nhất vẫn ở TP Hồ Chí Minh nhưng nơi đây chưa mạnh dạn triển khai xây dựng hình ảnh điểm để thu hút du khách như cách làm của Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore. Du khách chi tiêu cho mua sắm chiếm tỷ lệ thấp nên chưa giúp TP Hồ Chí Minh trở thành điểm đến mua sắm giống như Singapore. Do đó, dù TP Hồ Chí Minh tiên phong kích cầu du lịch thông qua mua sắm bằng hình thức xây dựng Tuần lễ hạ giá nhưng về lâu dài, cần có một trung tâm mua sắm dành riêng cho du khách quốc tế tại các trung tâm du lịch lớn ở Việt Nam như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang.

Ông Lã Quốc Khánh - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền chương trình hoàn thuế trên các phương tiện thông tin để người kinh doanh, du khách biết. Về lâu dài, Nhà nước cần mở rộng thêm đối tượng bán hàng hoàn thuế VAT cho cả hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh. Hiện nay, quy định bán hàng hoàn thuế đang thu hẹp phạm vi và đối tượng, chỉ có các doanh nghiệp mới được phép tham gia. Điều này dẫn đến các điểm bán đồ thủ công mỹ nghệ, áo dài, đá phong thủy... có giá trị kinh tế cao nhưng do kinh doanh theo phương thức hộ gia đình và đóng thuế theo hình thức khoán thuế nên không được làm thủ tục hoàn thuế cho du khách. Và đây chính là những lỗ hổng khiến một chính sách tốt nhưng hầu như không được triển khai trên thực tế.

Tuệ Diễm