Iraq bộn bề nỗi lo “hậu IS”

Thế giới - Ngày đăng : 07:18, 11/12/2017

(HNM) - Chỉ ít ngày sau khi Nga tuyên bố giải phóng Syria khỏi sự chiếm đóng của các tay súng thuộc nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), ngày 9-12, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi cũng thông báo kết thúc cuộc chiến kéo dài 3 năm nhằm đánh bật hoàn toàn IS ra khỏi nước này.

Tái thiết đất nước thời kỳ hậu IS là một thách thức lớn đối với chính quyền Iraq.


Sau khi giành lại Mosul, thành phố lớn thứ 2 tại Iraq và cũng là nơi IS chọn làm địa bàn xây dựng cái gọi là "Vương quốc Hồi giáo" vào mùa hè vừa qua, quân đội Iraq đã mở chiến dịch cuối cùng chống lại nhóm khủng bố tàn bạo nhất thế giới ở khu vực biên giới với Syria, bao gồm Hawija và khu vực sông Euphrates. Mặc dù các phiến quân còn sống sót có thể sẽ tiếp tục phản kháng, nhưng đây là chiến thắng lớn của Iraq, một dấu mốc lịch sử trong cuộc chiến chống lại IS.

Để ổn định đất nước thời kỳ hậu IS, chính quyền Iraq đang phải đối mặt với một "cuộc chiến" khác không kém phần gian nan, đó là công cuộc tái thiết các vùng đất bị tàn phá nặng nề do xung đột kéo dài. Báo cáo của Bộ Kế hoạch Iraq cho biết, thiệt hại do IS gây ra đối với hệ thống hạ tầng ở quốc gia này ước tính lên tới 37 tỷ USD, chưa kể thiệt hại liên quan nhà cửa và tài sản cá nhân của người dân ở các khu vực bị chiến tranh tàn phá. Ước tính, Iraq cần khoảng 100 tỷ USD để xây dựng lại những khu vực từng bị IS chiếm đóng.

Bên cạnh đó, việc dựng lại những biểu tượng tâm linh có ý nghĩa quan trọng với các tín đồ Hồi giáo như đền thờ al-Nuri tại Mosul và tòa tháp nổi tiếng Hadba tại Mosul, các khu vực khảo cổ bị IS san phẳng ở thành phố cổ Nimrud và Hattra cũng là một ưu tiên với chính quyền nước này.

Theo các nhà phân tích, ngoài việc xử lý hậu quả của cuộc xung đột kéo dài, một trong những yếu tố quan trọng đem lại sự ổn định cho Iraq giai đoạn này là thúc đẩy hòa hợp dân tộc thông qua đối thoại, nhất là giữa cộng đồng người Hồi giáo dòng Shiite, Sunni và người Kurd, vốn có những tranh chấp về nguồn thu dầu mỏ và chia rẽ tôn giáo. Ðoàn kết dân tộc và thống nhất lợi ích giữa các phe phái là cách duy nhất nhằm đẩy lùi chủ nghĩa cực đoan và bạo lực vốn hoành hành ở Iraq nhiều năm qua.

Một lo ngại nữa, dù IS đã bị loại bỏ hoàn toàn khỏi lãnh thổ Iraq, tuy nhiên tổ chức này chưa thể bị đánh bại hoàn toàn. Như trong lời chúc của Thủ tướng Anh Theresa May: “Đây là tín hiệu mở ra một chương mới cho đất nước Iraq yên bình và thịnh vượng. Tuy nhiên, chúng ta hãy cảnh giác vì IS mới chỉ suy yếu, chúng chưa bị đánh bại. Chúng vẫn còn gây ra mối đe dọa với Iraq”. Chính phủ Mỹ cũng cho rằng, sự giải phóng này không có nghĩa là cuộc chiến chống khủng bố tại Iraq, chống lại IS đã kết thúc. Bằng chứng là, chỉ không lâu sau khi Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi tuyên bố cuộc chiến chống IS kết thúc, các binh sĩ Iraq lại tiêu diệt được 10 thành viên của tổ chức này tại một đường hầm gần TP Kirkuk.

Nói một cách khác, IS bị đánh bại tại Syria và Iraq không có nghĩa IS đã bị xóa sổ. Trước sức ép của liên quân quốc tế, nhiều khả năng IS sẽ hình thành một mạng lưới khủng bố ngầm, dựa vào những công cụ phi quy ước để đối phó với phương Tây và các lực lượng dân chủ tại Trung Đông. Thực tế, IS đã phát triển được nhiều chân rết ở các nước Trung Đông khác ngoài Iraq và Syria, ở Châu Phi, Trung Á và vùng Kavkaz, ở Châu Âu, thậm chí ở cả khu vực Đông Nam Á. Như vậy, thế giới sẽ bước vào một cuộc chiến mới không phân tuyến với lực lượng IS. Vì lẽ đó, các nước trên toàn cầu phải thực sự đoàn kết thì mới mong xóa sổ hoàn toàn tổ chức này.

Phương Quỳnh