Lỏng lẻo trong quản lý đất nông, lâm trường
Bất động sản - Ngày đăng : 08:15, 11/12/2017
Trong quá trình hoạt động, một số nông, lâm trường quốc doanh trên địa bàn thành phố được sáp nhập, chia tách, thành lập các trung tâm, đơn vị sự nghiệp sử dụng đất của các nông, lâm trường (đến nay phần lớn được chuyển đổi thành các công ty nông, lâm nghiệp). Do hồ sơ quản lý sử dụng đất của các nông, lâm trường quốc doanh chưa cập nhật đầy đủ, kịp thời, dẫn đến việc khó xác định chính xác tổng số đơn vị sử dụng đất có nguồn gốc là đất nông, lâm trường quốc doanh...
Kết quả kiểm tra của UBND thành phố cho thấy: Các địa phương chỉ có bản đồ địa giới hành chính, không có hồ sơ liên quan đến việc sử dụng đất của nông, lâm trường trước đây nên không xác định được ranh giới, mốc giới, tình trạng sử dụng đất. Các nông, lâm trường thực hiện giao khoán đất cho các hộ công nhân viên và những trường hợp khác theo quy định, nhưng không xác định vị trí đất ở, dẫn đến UBND cấp xã gặp khó khăn trong lập hồ sơ xử lý vi phạm đất đai, trật tự xây dựng trên đất nông, lâm trường (đất nông nghiệp).
Điển hình như tại 8 xã thuộc huyện Sóc Sơn (có đất thuộc Lâm trường Sóc Sơn), UBND xã không có hồ sơ giao khoán của lâm trường cho các hộ công nhân viên và những trường hợp khác theo quy định. Có những đơn vị trước đây trực thuộc Bộ NN&PTNT, đã thực hiện cổ phần hóa, nhưng chưa thực hiện kê khai, đăng ký cấp giấy chứng nhận, hoặc kê khai không đúng về tình hình sử dụng đất; chưa thiết lập hồ sơ quản lý đất đai theo hiện trạng sử dụng đất... Trong quá trình sử dụng đất nông, lâm trường, một số đơn vị được giao đất đã buông lỏng quản lý, để xảy ra vi phạm về đất đai như lấn chiếm, tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất… Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, diện tích đất bị lấn chiếm, đang có tranh chấp tại các nông, lâm trường là 111,41ha...
Ngoài ra, tình trạng mua bán, chuyển nhượng trái pháp luật đối với đất có nguồn gốc là đất nông, lâm trường quốc doanh trước đây xảy ra khá phổ biến, song các đơn vị được giao đất không có biện pháp ngăn chặn và chưa phối hợp với chính quyền địa phương để xử lý. Như tại Trung tâm Nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì (thuộc Bộ NN&PTNT) quản lý 664,334ha đất nằm trên địa bàn các xã Vân Hòa, Tản Lĩnh (huyện Ba Vì) và phường Xuân Khanh (thị xã Sơn Tây). Năm 2003, trung tâm giao 1.340m2 đất thuộc địa bàn thôn Việt Long (xã Tản Lĩnh) cho gia đình ông Dương Quốc Bảo để trồng cỏ, nuôi bò. Sau đó, ông Bảo tự ý chuyển nhượng khu đất này cho các hộ khác. Hiện, tại khu đất dành cho trồng cỏ này đã “mọc” lên những ngôi nhà cấp 4 và ki ốt kinh doanh hàng hóa...
Còn tại Xí nghiệp chè Lương Mỹ (huyện Chương Mỹ), năm 2013, tổng số hộ được giao khoán là 775. Tuy nhiên, căn cứ kết quả kê khai sử dụng đất của UBND huyện Chương Mỹ, có tới 1.094 hộ đang sử dụng đất, trong đó có 30ha không có giấy tờ liên quan đến việc sử dụng đất, không có hồ sơ quản lý. Nhiều hộ đã tự ý chuyển nhượng, chia tách thửa đất, chuyển mục đích sử dụng...
Để thực hiện công tác quản lý, sử dụng đối với đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng, UBND các huyện, thị xã liên quan khắc phục những tồn tại, thực hiện công tác quản lý nhà nước về đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh theo quy định. UBND thành phố đề nghị Thanh tra Chính phủ báo cáo Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT khẩn trương chỉ đạo 3 đơn vị trực thuộc Bộ nghiêm túc thực hiện việc kê khai, đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ký hợp đồng thuê đất, đồng thời rà soát, kiểm tra và thực hiện bàn giao đối với phần diện tích đất không tiếp tục quản lý sử dụng về địa phương theo quy định.