Bảo đảm chất lượng kinh doanh trái cây
Kinh tế - Ngày đăng : 07:40, 12/12/2017
- UBND TP Hà Nội đã ban hành Đề án “Thí điểm quản lý cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành”, bà có thể cho biết rõ hơn về đề án này?
- Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành” đặt mục tiêu, năm 2017 đạt 60% và hết năm 2018 có 100% cửa hàng bán trái cây trên địa bàn các quận có đăng ký kinh doanh theo quy định; có biển hiệu và đầy đủ trang thiết bị, phương tiện bảo quản được trái cây tươi, chất lượng đến tay người tiêu dùng. Bên cạnh đó, 100% người kinh doanh được đào tạo, tập huấn về an toàn thực phẩm và có đủ các điều kiện cần thiết khác theo quy định.
- Việc triển khai Đề án sẽ không tránh khỏi những vướng mắc, nhất là đối với các cửa hàng nhỏ lẻ, người bán rong, Sở Công Thương có giải pháp gì cho vấn đề này?
- Tại 12 quận nội thành Hà Nội, có 1.070 cửa hàng kinh doanh trái cây, trong đó 68% cửa hàng có tủ bảo quản trái cây, còn lại là các cửa hàng có giá, kệ và dùng sạp bày bán trái cây. Trước mắt, thành phố sẽ thí điểm tăng cường quản lý đối với các cửa hàng trái cây trên các tuyến phố, khu dân cư, vỉa hè, lòng đường tại các quận nội thành để rút kinh nghiệm và nhân rộng trên toàn thành phố. Hiện, 12 quận đã đăng ký mỗi quận một tuyến phố để làm điểm trong tháng 12-2017. Về lâu dài, hàng rong và các điểm bán hoa quả tự phát sẽ phải vào bán tại địa điểm quy định. Ngành Công Thương sẽ chủ trì, cùng các sở, ngành liên quan xây dựng đề án với mục đích người dân Thủ đô được tiêu dùng trái cây sạch, rõ nguồn gốc, bảo đảm chất lượng. Đây cũng là mong mỏi của hàng triệu người tiêu dùng Thủ đô.
- Để được gắn biển nhận diện, các cửa hàng kinh doanh trái cây phải đáp ứng những tiêu chí cụ thể gì?
- Các cửa hàng phải bảo đảm các nhóm điều kiện về đầu tư kinh doanh thực phẩm là nhân lực; cơ sở vật chất, trang thiết bị kinh doanh; điều kiện nguồn gốc, tiêu chuẩn chất lượng trái cây.
Để bảo đảm chất lượng trái cây tới tay người tiêu dùng, đề án còn quy định kiểm soát chất lượng. Cụ thể, đối với mỗi lô hàng trái cây mua vào, cửa hàng kinh doanh phải lập dữ liệu thông tin về tên, địa chỉ và mã số (nếu có) của cơ sở cung cấp. Nếu cơ sở mua trái cây từ các đơn vị được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP phải có giấy chứng nhận còn hiệu lực; mở sổ theo dõi theo quy định. Riêng đối với trái cây nhập khẩu, phải có thông tin về cơ sở xuất khẩu, xuất xứ, giấy chứng nhận kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định. Hóa đơn mua, bán trái cây phải lưu trữ tối thiểu 6 tháng hoặc theo quy định hiện hành của Nhà nước để phục vụ việc truy xuất nguồn gốc…
- Nhiều tiểu thương lo lắng thủ tục đăng ký phức tạp, Sở Công Thương có giải pháp gì hỗ trợ không, thưa bà?
- Để hỗ trợ và đẩy mạnh công tác xác nhận, bảo đảm điều kiện đầu tư kinh doanh cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh trái cây trên địa bàn, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với các quận triển khai 12 lớp tập huấn về kiến thức an toàn thực phẩm và các nội dung của đề án trái cây, đề nghị UBND các quận chỉ đạo các phòng, các phường hỗ trợ tạo điều kiện tối đa cho các đơn vị, hộ kinh doanh được cấp đăng ký kinh doanh và các loại giấy tờ về an toàn thực phẩm; rà soát, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian, thủ tục hành chính. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai thực hiện dịch vụ công mức độ 3-4 đối với cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm và xác nhận cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh trái cây trên địa bàn.
- Trân trọng cảm ơn bà!