Thời cơ cho chính quyền đô thị

Chính trị - Ngày đăng : 07:09, 12/12/2017

(HNM) - Bộ Chính trị đã đồng ý để TP Hà Nội được triển khai thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị trong khu vực các quận. Đây là thời cơ, song cũng là thách thức đặt ra với Thủ đô.

Việc triển khai thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị trong khu vực các quận sẽ góp phần xây dựng Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại.Ảnh: Hà Hiếu


Xu thế tất yếu

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, sau hơn 30 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, quá trình đô thị hóa ở Việt Nam đã và đang diễn ra nhanh chóng dẫn đến có nhiều khác biệt về hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng giữa đô thị và nông thôn. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật hiện hành, mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở Việt Nam về cơ bản giống nhau, đều tổ chức 3 cấp chính quyền (tỉnh, huyện, xã) và vẫn dựa trên cách thức quản lý của chính quyền nông thôn.

Trên thế giới, mô hình chính quyền đô thị đã được nhiều nước xây dựng theo hướng tinh gọn, giảm bớt các tầng, nấc trung gian, bảo đảm tính nhanh nhạy trong công tác quản lý. Điều này là rất cần thiết với Thủ đô Hà Nội. Bởi, chính quyền ở các quận nội thành được tổ chức và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn tương tự như chính quyền ở địa bàn nông thôn cùng cấp, dẫn tới nhiều vấn đề cấp thiết của đô thị không được giải quyết kịp thời.

Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ ngày 6-1-2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020” và 3 năm thực hiện Luật Thủ đô đã chỉ ra những hạn chế, khó khăn của thành phố. Đó là, hạ tầng đô thị ngày càng quá tải, tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông của thành phố mới đạt dưới 10% đất xây dựng đô thị (mức tối thiểu là 20-26% để hệ thống giao thông có thể vận hành bình thường). Cùng với đó là nhiều nội dung đòi hỏi cần có giải pháp quyết liệt để cải thiện như: Kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị, quản lý đất đai, trật tự, an toàn giao thông còn một số mặt chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn...

Cải cách tổ chức bộ máy, xây dựng chính quyền đô thị là vấn đề đã được bàn tới trong nhiều năm gần đây, thu hút sự quan tâm từ trung ương tới các địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn như: Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh… Là đô thị đặc biệt, TP Hà Nội càng cần áp dụng quản lý theo mô hình chính quyền đô thị đối với khu vực nội thành để giải quyết các vấn đề bức thiết. Do đó, việc Bộ Chính trị đồng ý cho TP Hà Nội thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị trong khu vực các quận đã tạo điều kiện để thành phố được triển khai áp dụng mô hình quản lý mới và thiết thực, đáp ứng yêu cầu tất yếu của sự phát triển.

Cần nghiên cứu kỹ lưỡng


Cải cách tổ chức bộ máy, xây dựng chính quyền đô thị là nhiệm vụ trọng tâm của Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Nhật Nam


Phát biểu tại kỳ họp thứ năm, HĐND TP Hà Nội khóa XV, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã nêu rõ: Trong 2 năm qua, thành phố đã làm tốt việc thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về "Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Trên nền kết quả đó, năm 2018, thành phố cần thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII); thực hiện Kết luận số 22-KL/TƯ ngày 7-11-2017 của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020". Theo đó, thành phố phải khẩn trương xây dựng Đề án thí điểm, xây dựng mô hình chính quyền đô thị, củng cố chính quyền nông thôn để trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Quốc hội trong năm 2018.

Thực tế cho thấy, xây dựng chính quyền đô thị là mô hình mới ở Việt Nam nên khó tránh khỏi khó khăn, thách thức. Đề cập tới việc cần thiết triển khai mô hình chính quyền đô thị hiệu quả, PGS.TS Nguyễn Minh Phương (Viện Khoa học Tổ chức nhà nước - Bộ Nội vụ) cho rằng: “Đô thị cần phải có ngân sách riêng, tài sản riêng, có thể đặt ra các khoản thu như phí, lệ phí, một số loại thuế theo luật định. Họ sẽ tự chịu trách nhiệm trước tòa án nói chung và tòa án hành chính nói riêng”. Còn theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, địa bàn đô thị còn liên quan đến các vấn đề về quy hoạch, kiến trúc, xây dựng hạ tầng đô thị, ùn tắc giao thông nên cần quản lý theo ngành chứ không theo lãnh thổ như địa bàn nông thôn. Đồng quan điểm, PGS.TS Vũ Thư (Viện Nhà nước và Pháp luật - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội) khẳng định, ở đô thị, các yếu tố cấu thành cơ sở hạ tầng như: Điện, đường, trường học, công viên, môi trường… có tính chất liên thông, do đó, việc chia cắt, quản lý theo đơn vị hành chính - lãnh thổ sẽ làm cho việc quản lý kém hiệu quả.

TP Hà Nội đã chọn chủ đề năm 2018 là “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị". Điều này tạo tiền đề thuận lợi khi năm 2018, thành phố triển khai xây dựng đề án chính quyền đô thị. Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, TP Hà Nội sẽ xây dựng thành công đề án chính quyền đô thị, tiến tới được phê duyệt để áp dụng vào thực tiễn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý, mang lại lợi ích cho người dân.

Sáng 11-12, tại hội nghị tổng kết phong trào thi đua năm 2017; triển khai Kế hoạch kinh tế - xã hội, dự toán thu chi ngân sách, tổng biên chế hành chính, sự nghiệp và phát động phong trào thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2018 của TP Hà Nội, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng thông tin: Năm 2018, Hà Nội tập trung tổ chức thực hiện Kết luận số 22-KL/TƯ ngày 7-11-2017 của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020 và ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội. Theo đó, Sở Nội vụ đề nghị lãnh đạo các quận phối hợp với Sở xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị trong khu vực các quận, thu gọn đầu mối bộ máy hoạt động, số lượng biên chế cán bộ chuyên trách và không chuyên trách cấp tổ dân phố theo hướng thu gọn đầu mối.

Hiền Thu