Chuyển mạnh sang công nghệ cao
Kinh tế - Ngày đăng : 06:31, 13/12/2017
Chăm sóc rau hữu cơ tại trang trại Hoa Viên (huyện Thạch Thất). Ảnh: Bá Hoạt |
Vượt qua thách thức thiên tai
Đợt nắng nóng kéo dài cuối tháng 5, đầu tháng 6-2017 còn là nỗi ám ảnh của nhiều hộ nông dân ở Hà Nội, nhất là các hộ chăn nuôi. Anh Nghiêm Đình Minh, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh cho biết, nắng nóng khiến hoạt động chăn nuôi của địa phương bị ảnh hưởng đáng kể do chi phí sản xuất tăng. Thời điểm đó gia đình anh nuôi hơn 2.000 con lợn, trong đó có 400 lợn nái, đã phải huy động hàng chục lao động túc trực 24/24 giờ để theo dõi, vận hành hết công suất hệ thống quạt làm mát và sử dụng chất điện giải trộn trong nước uống, thức ăn để giải nhiệt cho đàn lợn. Chi phí đội lên trong khi giá lợn thời điểm đó xuống thấp...
Cũng theo anh Minh, không chỉ những hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm bị ảnh hưởng mà các hộ nuôi trồng thủy sản cũng phải chạy hết công suất máy sục khí, bổ sung nguồn nước cho ao nuôi cá…, nên chi phí sản xuất tăng khoảng 30% so với thông thường. Ở lĩnh vực trồng trọt, nhiều vùng trồng rau xanh bị ảnh hưởng nặng nề, những diện tích rau mới gieo trồng bị cháy táp lá, không cho thu hoạch...
Trong khi đó, cơn bão số 2 diễn ra trong tháng 7 và đỉnh điểm là đợt mưa lũ từ ngày 10 đến 12-10 vừa qua trên địa bàn thành phố cũng khiến ngành Nông nghiệp Hà Nội thiệt hại lớn: 9.704ha nuôi trồng thủy sản bị ngập, nhiều diện tích bị mất trắng; hàng nghìn héc ta lúa, rau màu đến kỳ thu hoạch bị hư hỏng.
Một khó khăn đáng chú ý khác, trong năm là giá thịt lợn giảm sâu, người chăn nuôi bị thua lỗ, do đó nhiều hộ gia đình đã chuyển đổi sản xuất hoặc phải loại thải khiến đàn vật nuôi giảm.
Tuy nhiên, đáng mừng là dù gặp nhiều thách thức nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của các cấp, các ngành, nông dân đã khắc phục được khó khăn, khôi phục sản xuất. Nhờ vậy, dù nắng nóng, mưa bão liên tiếp song sản lượng rau các loại của Hà Nội đạt 708.083 tấn, tăng 5,67% so với năm 2016. Hà Nội đã mở rộng, phát triển được 5.044ha trồng rau an toàn. Tổng sản lượng thủy sản năm 2017 đạt 97.700 tấn, tăng 3,49% so với năm ngoái. Số lượng gia súc, gia cầm giảm 0,34%, nhưng sản lượng thịt lại tăng 3,1% so với năm 2016.
Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho rằng, có được kết quả này do ngành đang từng bước đưa các giống chất lượng cao vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng, đặc biệt là trong chăn nuôi. Cũng nhờ đóng góp của chăn nuôi nên tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2017 của ngành Nông nghiệp Hà Nội ước đạt 35.210 tỷ đồng; giá trị gia tăng tăng từ 2 đến 2,5% so với năm ngoái; giá trị thực tế ước đạt 45.050 tỷ đồng, tăng khoảng 4,5% so với năm 2016. Đến nay, đã hình thành 40 mô hình nông nghiệp công nghệ cao và giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Hà Nội đạt 25%.
Tạo đột phá từ ứng dụng công nghệ cao
Năm 2018 là năm thứ ba thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020), trong bối cảnh khó khăn dự báo vẫn chưa giảm, ngành Nông nghiệp Hà Nội vẫn đặt ra một số chỉ tiêu chủ yếu như: Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng từ 2,5 đến 3%; giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng 3,04%; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 130,08 triệu đồng, tăng 5,71% so với năm 2017...
Tuy nhiên, để duy trì tốc độ tăng trưởng trong bối cảnh luôn phải ứng phó với diễn biến bất lợi của thiên tai, nhiều ý kiến cho rằng, ngành Nông nghiệp Hà Nội cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng các chuỗi sản xuất khép kín, nhất là ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp...
Theo ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, năm 2018, Sở sẽ tiếp tục thực hiện, hoàn thiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu phục vụ tái cơ cấu ngành như: Dự án điều chỉnh quy hoạch đê điều; rà soát quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất nông nghiệp; điều chỉnh bổ sung quy hoạch thủy lợi... Đặc biệt, với đặc thù nông nghiệp Hà Nội phát triển ngay trong lòng Thủ đô, do đó phải có tầm thế khác, phải là nền nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao. Hà Nội sẽ tập trung thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, qua đó đẩy mạnh phát triển các mô hình liên kết chuỗi, hình thành nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm giải được bài toán chất lượng và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Tuy vậy, ông Nguyễn Hữu Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng cho rằng cần phải có thêm cơ chế, chính sách, bởi sự hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn thời gian qua còn hạn hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu của sản xuất. Thực tế, doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao vào nông nghiệp vẫn phải đối diện với giá thuê đất cao. Bà Trương Kim Hoa, Giám đốc Công ty TNHH Khai thác tiềm năng sinh thái Hòa Lạc thì kiến nghị, Hà Nội nên có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ, bảo lãnh, hỗ trợ về tài chính, lãi suất vốn vay, hoặc tiếp cận nguồn vốn vay dài hạn với lãi suất thấp để đầu tư cơ sở hạ tầng cho sản xuất, chế biến.
Như vậy, bước sang năm 2018 với vai trò là năm bản lề thực hiện Chương trình “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao TP Hà Nội, giai đoạn 2016-2020” và Kế hoạch “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp TP Hà Nội theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2016-2020”, ngành Nông nghiệp Hà Nội cần tiếp tục đổi mới, tạo được chuyển biến rõ rệt hơn trên thực tiễn nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế Thủ đô phát triển ổn định.