Đỉnh cao của nghệ thuật tác chiến phòng không
Chính trị - Ngày đăng : 07:29, 13/12/2017
Tạo bất ngờ cho đối phương
Cuối năm 1972, khi không quân Mỹ chuẩn bị mở cuộc tập kích chiến lược, Quân chủng Phòng không - Không quân được Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh giao nhiệm vụ làm nòng cốt tổ chức chiến dịch phòng không cho Hà Nội, Hải Phòng. Tuy gặp rất nhiều khó khăn, nhưng Bộ Tư lệnh Quân chủng đã chấp hành nghiêm sự chỉ đạo của cấp trên, tập trung lực lượng vào chiến dịch với khả năng cao nhất. Đến giữa tháng 12-1972, lực lượng tham gia chiến dịch phòng không gồm 6 trung đoàn tên lửa phòng không, 4 trung đoàn không quân tiêm kích, 16 trung đoàn và 22 tiểu đoàn pháo phòng không, 4 trung đoàn ra đa, 346 đơn vị pháo và súng máy phòng không của bộ đội địa phương, dân quân tự vệ[1]. Đây là lực lượng cao nhất mà chúng ta có thể huy động được tại thời điểm đó.
Bộ đội tên lửa báo động chiến đấu với máy bay B-52 của Mỹ. Ảnh tư liệu |
Ngay khi nắm được kế hoạch về cuộc tập kích chiến lược của không quân Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng, cơ quan Tổng hành dinh đã chỉ thị: “Bộ đội Phòng không - Không quân phải kiên quyết đánh thắng, bắn rơi tại chỗ nhiều B-52”[2]. Chấp hành chỉ lệnh ấy, với lực lượng và khả năng hiện có, Bộ Tư lệnh Quân chủng xác định rõ quyết tâm chiến dịch phòng không là: “Bắn rơi tại chỗ, bắt sống giặc lái B-52 tại Hà Nội, Hải Phòng, cố gắng hết sức để buộc đế quốc Mỹ phải chấm dứt sớm cuộc tập kích chiến lược bằng sự thất bại thảm hại của chúng".
Là lực lượng tác chiến chủ yếu nên các lực lượng phòng không và không quân đã có sự phối hợp chiến đấu chặt chẽ. Đây được xác định là một trong những kinh nghiệm rất quan trọng, tiêu biểu cho bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, thể hiện rõ trong cách đánh, đồng thời tạo sự bất ngờ đối với không quân Mỹ trong cuộc đụng đầu lịch sử cuối năm 1972.
Quán triệt sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Dù đế quốc Mỹ có lắm súng nhiều tiền, dù chúng có B-57, B-52 hay “bê” gì đi chăng nữa, ta cũng đánh… mà đã đánh là nhất định thắng”, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân đã quyết định: Lấy tên lửa phòng không là lực lượng chủ yếu đánh B-52; không quân tiêm kích là lực lượng quan trọng phối hợp cùng tên lửa phòng không tiêu diệt B-52. Không quân tiêm kích và pháo phòng không là lực lượng chủ yếu đánh các loại cường kích ném bom, bảo vệ trực tiếp các mục tiêu và bảo vệ tên lửa phòng không. Từ đây, mọi phương án tác chiến đều chủ yếu xoay quanh lực lượng tên lửa phòng không. Đây là một quyết định rất táo bạo của cơ quan chỉ huy chiến dịch, tạo nên sự bất ngờ thực sự cho đối phương. Bởi, trong suy đoán cũng như kế hoạch tác chiến của Bộ Tư lệnh Không quân chiến lược Mỹ, chỉ có không quân tiêm kích của Việt Nam mới là đối thủ chủ yếu ngăn cản B-52 đánh vào Hà Nội, Hải Phòng. Còn tên lửa phòng không của Việt Nam đã bị thất bại hồi tháng 4-1972 tại Hải Phòng sẽ nhanh chóng bị “vô hiệu hóa”[3].
Sự lựa chọn đúng đắn
Cuối tháng 10-1972, hội nghị rút kinh nghiệm cách đánh B-52 của bộ đội tên lửa do Tư lệnh Quân chủng chủ trì đã diễn ra với sự tham gia của các kíp trắc thủ, sĩ quan điều khiển, tiểu đoàn trưởng, trung đoàn trưởng trung đoàn tên lửa. Các kíp chiến đấu tranh luận sôi nổi để cùng tìm ra cách đánh tối ưu. Kết luận hội nghị, Tư lệnh Quân chủng khẳng định: Nhằm thẳng quân thù mà bắn, chọn bám sát đúng dải nhiễu B-52 mà đánh, nhất định ta sẽ bắn rơi, bắn rơi tại chỗ B-52.
Sau hội nghị, phong trào học tập, rèn luyện cách đánh B-52 của bộ đội tên lửa diễn ra ở khắp các trận địa, tỏ rõ quyết tâm mới, khí thế mới. Công tác bảo đảm kỹ thuật từ cơ quan đến đơn vị trở thành phong trào thi đua bảo đảm tham số tốt nhất, không dừng ở tham số cho phép. Các phân đội kỹ thuật, các dây chuyền lắp ráp đạn làm việc cả ban đêm, công tác hậu cần bảo đảm đời sống, các nhà máy trung đại tu tên lửa đều hưởng ứng thi đua với đơn vị hỏa lực cùng lập công.
Thực tế chiến đấu đã chứng minh, việc lựa chọn tên lửa phòng không làm lực lượng tác chiến chủ yếu, đồng thời kết hợp chặt chẽ giữa các lực lượng phòng không và không quân trong chiến dịch là hoàn toàn đúng đắn. Riêng tên lửa phòng không đã bắn rơi 29 trên tổng số 34 máy bay B-52 của Mỹ, góp phần quyết định vào thắng lợi chung toàn chiến dịch.
Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, nguy cơ đe dọa hòa bình, ổn định, độc lập chủ quyền của các quốc gia, dân tộc tăng lên. Nếu chiến tranh xảy ra, đó sẽ là cuộc chiến tranh công nghệ cao rất khốc liệt. Vì vậy, bên cạnh việc luôn đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng, nắm chắc tình hình khu vực và thế giới, nhất là những diễn biến có liên quan trực tiếp đến Việt Nam; giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao ý thức trách nhiệm chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu cần tăng cường đầu tư mua sắm, làm chủ vũ khí, trang bị mới. Đây là một yêu cầu thực tế bức thiết đặt ra không chỉ với Quân chủng Phòng không - Không quân mà cũng là xu thế chung của các quốc gia trên thế giới, nhất là trong bối cảnh khoa học công nghệ, trong đó có công nghệ quân sự được chú trọng phát triển và luôn ở vị trí tiên phong. Việc mua sắm vũ khí, trang bị mới phải gắn liền với quá trình đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực để có thể quản lý, sử dụng thành thạo, phát huy được hết tính năng vũ khí, trang bị chiến đấu trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao, đủ sức bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong mọi tình huống.
-------------------
[1] Bộ Quốc phòng - Trung tâm Từ điển bách khoa quân sự, Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.188.
[2] Quân đội nhân dân Việt Nam - Bộ Tổng tham mưu, Biên niên sự kiện Bộ Tổng tham mưu trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), tập VIII (1972), NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2008, tr.496
[3] Ngày 16-4-1972, từ 3h đến 16h, Mỹ huy động 270 lần chiếc máy bay, trong đó có 9 chiếc B-52 đánh vào TP Hải Phòng, xem đây là bước thử nghiệm quan trọng cho mưu đồ đi đến trận quyết chiến lớn vào cuối năm 1972. Phối hợp với không quân, các pháo hạm Mỹ ngoài khơi bắn phá mãnh liệt vào Đồ Sơn cùng nhiều khu vực khác. Quá trình đánh trả không quân Mỹ, lực lượng tên lửa phòng không bảo vệ Hải Phòng đã phóng gần 100 quả đạn tên lửa...